Bích Ngọc ·
10 tuần trước
 9784

Trong năm 2023 tổng tài sản các doanh nghiệp bất động sản biến động ra sao?

Tính tới cuối năm 2023, so với cùng kỳ VHM,VRE, IDC... có quy mô tài sản tăng, tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp khác lượng tài sản lại có xu hướng giảm...

Dù năm 2023 thị trường không mấy thuận lợi, thế những nhiều doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản tăng trưởng khá tốt. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), có tổng tài sản tăng 23,6%, từ con số 361.812 tỷ đồng của năm 2022, ở cuối năm 2023 lên 447.360 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 240.250 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 126.607 tỷ đồng; hàng tồn kho 52.342 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm gần 10.000 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, đây cũng là doanh nghiệp bất động sản có quy mô tài sản lớn nhất.

Cùng họ với VHM, Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) cũng có quy mô tài sản tăng trưởng ấn tượng, tài sản của VRE vào cuối năm 2023 là 47.653 tỷ đồng, còn năm 2022 con số này là 42.658 tỷ đồng.

Tiền và tương đương tiền của VRE là 4.101 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm xuống còn 639 tỷ đồng, do công ty đã bàn giao các sản phẩm nhà phố thương mại.

Tổng công ty IDICO – CTCP (mã chứng khoán: IDC) cũng có sự tăng nhẹ tổng tài sản từ 16.732 tỷ đồng, lên mức 17.731 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong đó tài sản dài hạn gần 11.700 tỷ đồng, chiếm 66% và tài sản ngắn hạn là 6.031 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt của công ty này tăng 23% lên gần 1.334 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi tại ngân hàng.

Còn Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (mã chứng khoán: BCM) so với cùng kỳ có tổng tài sản tăng trưởng hơn 9%, đạt 53.180 tỷ đồng vào ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 22.447 tỷ đồng (với 42%).

Cùng tần số này, tổng tài sản Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH) đã tăng 4.786 tỷ đồng so với năm 2022 (đạt ngưỡng 26.417 tỷ đồng).

Doanh nghiệp này ghi nhận tài sản chủ yếu tồn kho là 18.787,7 tỷ đồng (chiếm 71,1% tổng tài sản). Tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.738,1 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.810,8 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG) có tổng tài sản tăng 2.145 tỷ đồng, đạt 16.888 tỷ đồng. Đặc biệt, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 6.550,9 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.704,4 tỷ đồng, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.493,6 tỷ đồng

Bên cạnh đó, cũng một số doanh nghiệp có quy mô tài sản giảm so với cùng kỳ. Theo đó, năm 2023 tổng tài sản Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) giảm mạnh 16.358 tỷ đồng, xuống còn 241.376 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2022 là 257.734 tỷ đồng.

So với cùng kỳ hàng tồn kho của NVL đã tăng 2,7% (lên 138.598 tỷ đồng). Còn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đã giảm 60% (còn 3.412 tỷ đồng).

Nằm trong chuỗi giảm này còn có, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG), có tổng tài sản giảm từ 30.771 tỷ đồng vào cuối năm 2022, xuống mức 28.795 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Trong đó, DXG có tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 373 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 364 tỷ đồng và tồn kho bất động sản thành phẩm của công ty tăng đạt 2.500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) cũng chung xu hướng giảm nhưng chỉ giảm nhẹ, cuối năm 2023 tổng tài sản LNG đạt 27.084 tỷ đồng, giảm 1.517 tỷ đồng so với mức 28.601 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17.300 tỷ đồng, tăng 17% và khoản phải thu 3.600 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Công ty cổ phần Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG) là 6.500 tỷ đồng, so với hồi đầu năm giảm 7,7%. Đáng chú ý, Khải Hoàn Land đang bị khách hàng, đối tác chiếm dụng vốn rất lớn khi có khoảng 91,5% tài sản nằm ngoài công ty khi các khoản phải thu đạt 5.951 tỷ đồng.

Năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Kể từ tháng 5/2022, cho đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã phủ bởi gam màu xám xịt khi hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuyên bố giải thế hoặc tạm đóng cửa, hàng ngàn môi giới bất động sản phải bỏ nghề.

Theo thống kê của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khoảng 70% môi giới bất động sản đã nghỉ việc, bỏ nghề trong năm 2023. Năm 2023, có hơn 90% nhân sự ngành bất động sản bị giảm thu nhập. Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7445603818832643/?