Bích Ngọc ·
28 tuần trước
 8736

Trong quý III/2023, các công ty chứng khoán làm ăn ra sao?

Một số công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với mức tăng trưởng khả quan.

Theo đó, tại báo cáo tài chính quý III/2023, Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) cho hay, lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của BMS đạt 160 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 21 tỷ đồng).

So với quý III/2022, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 23% (đạt 49 tỷ đồng). Tuy vậy, so với cùng kỳ năm trước lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này lại giảm 16%.

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết lợi nhuận trước thuế tăng gần 353% so với cùng kỳ (ở mức 113 tỷ đồng). Tính lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lãi trước thuế của doanh nghiệp này đạt 320 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, trong quý III/2023 lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) và Chứng khoán LPBank lần lượt giảm 11% và 54% so với cùng kỳ (chỉ ở mức 34 tỷ đồng và 9 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm, Agriseco lãi trước thuế 140 tỷ đồng, tăng 12%, còn Chứng khoán LPBank lãi trước thuế 11 tỷ đồng.

MBS ghi nhận tổng doanh thu quý III đạt 539 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng mạnh 41% (lên 214 tỷ đồng). Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 50 tỷ đồng (tăng 78%). Ngược lại, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVPTL) giảm 18% (lùi về 26 tỷ đồng). Lãi từ cho vay và phải thu giảm nhẹ 2% (đạt 185 tỷ đồng).

MBS cho hay, so với cùng kỳ 2022 giá trị giao dịch chứng khoán toàn thị trường quý III tăng mạnh giúp doanh thu mảng môi giới của công ty tăng 42% (đạt 214 tỷ đồng). Doanh thu lãi từ các công cụ thị trường tiền tệ cũng tăng đáng kể.

Về chi phí, quý III, lỗ tài sản tài chính FVTPL gần 2 tỷ đồng (giảm 64% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động tự doanh cũng giảm đáng kể, chỉ còn một nửa so với cùng kỳ (ghi nhận 5 tỷ đồng). Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng, lần lượt ghi nhận gần 600 triệu và 55 tỷ đồng (tương ứng tăng 18% và 82%).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Lãi sau thuế quý III của MBS đạt 166 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.276 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái). Lãi sau thuế ghi nhận 411 tỷ đồng (giảm 7%). Với kết quả này, công ty chứng khoán thực hiện được 57% chỉ tiêu lãi cả năm.

Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán đạt 6.541 tỷ đồng. Trong đó cho vay margin chiếm 6.367 tỷ đồng. Tổng dư nợ ký quỹ của MBS tăng liên tiếp trong ba quý đầu năm nhưng vẫn đang thấp hơn mức đỉnh hơn 6.600 tỷ đồng ghi nhận cách đây 1 năm.

Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tại cuối quý III của MBS đạt 6.541 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ so với đầu kỳ (trong đó 6.367 tỷ đồng là cho vay margin).

Tổng nợ phải trả của công ty ở mức 7.540 tỷ đồng (tăng 22% so với hồi đầu năm). Trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn với 7.286 tỷ đồng, tăng 34%. Phần lớn khoản vay là tại các tổ chức tín dụng.

Tính tới thời điểm hiện tại, trong các công ty chứng khoán vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, MBS là công ty công bố sớm nhất và cũng là doanh nghiệp đạt lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm nay cao nhất.

Chốt phiên thị trường chứng khoán ngày 16/10, cổ phiếu VDS có giá 16.150 đồng (tăng 3,53% so với phiên trước), còn cổ phiếu MBS và BMS lại giảm, lần lượt xuống mức 22.000 đồng và 11.100 đồng/cổ phiếu...

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6962346717158358/?