Thành Vũ ·
30 tuần trước
 8221

Trữ lượng cát tại các khu vực sông lớn hiện nay

Cát là một loại tài nguyên quốc gia, được xem là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng và san lấp. Phần lớn các vùng tập trung cát có khối lượng lớn, mà nhiều người hay gọi một cách bình dân, dễ hiểu là mỏ cát. Trung bình mỗi năm ngành công nghiệp khai khoáng nước ta cung cấp cho nền kinh tế gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp...

Trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang cạn dần

Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 35-55 triệu m3/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.

Ngày 29/9/2023, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau gần 20 tháng đo đạc, khảo sát, phân tích trên chiều dài hơn 550km. Hàng trăm năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long còn trên dưới 500 triệu m3 cát.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc khai thác và bù đắp cát cho đồng bằng hiện nay chênh lệch cực lớn. Bình quân mỗi năm cát ở Đồng bằng sông Cửu Long bị khai thác từ 35 - 55 triệu m³. Trong khi lượng cát bồi đắp từ thượng nguồn chỉ từ 2 - 4 triệu m³/năm. Bên cạnh đó, lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông được ghi nhận từ 0 - 0,6 triệu m3/năm.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

WWF - Việt Nam cho rằng số liệu của bộ dựa trên trữ lượng thăm dò tại các khu vực mỏ cát, có tiềm năng khai thác. Con số 367 - 550 triệu m³ là toàn bộ cát còn lại dưới các đáy dòng sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trữ lượng cát còn lại ở đáy các dòng sông được công bố không đồng nghĩa với việc đoạn sông nào cũng có cát. Ví dụ, tại Tân Châu có đến 90% bề ngang đáy sông có cát. Nhưng giữa sông Hậu tại TP Cần Thơ chỉ có khoảng 50% bề ngang đáy sông có cát. Có những vị trí lớp cát chỉ phủ 20 - 30cm. WWF khuyến cáo không phải toàn bộ trữ lượng cát có thể khai thác.

Qua các dữ liệu trên có thể thấy bình quân mỗi năm lượng cát sông Mê Kông bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 1/15 lượng cát bị khai thác khỏi lòng sông. Hay nói cách khác, cán cân bồi đắp và khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân bằng và thâm hụt bình quân lên đến hơn 42 triệu m3 cát/năm. Điều này cho thấy gần như không có giải pháp nào có thể bù đắp được lượng cát thâm hụt này.

Trữ lượng cát hệ thống sông Hồng – Thái Bình

Theo số liệu thống kê từ quy hoạch của 13 tỉnh, TP khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trữ lượng cát có thể khai thác trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình còn khoảng 684 triệu mét khối, tuy nhiên phân bố không đều trên các tuyến sông.

Hà Nội là địa phương có trữ lượng cát có thể khai thác lớn nhất trong số 13 tỉnh, TP với khoảng 186 triệu mét khối, tương đương 27% trữ lượng cát toàn hệ thống.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên các tuyến sông hiện có 12 vị trí khai thác cát được xác định, tập trung chủ yếu trên sông Hồng, với tổng diện tích 334ha. Tuy nhiên, chỉ có 4 vị trí đang hoạt động, 8 vị trí tạm ngừng hoạt động.

Nhưng thực tế cho thấy tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phổ biến tại rất nhiều vị trí thuộc sông Đuống, sông Cà Lồ, và đặc biệt là sông Hồng đoạn qua các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, và địa bàn giáp ranh các tỉnh Vĩnh Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, và tỉnh Hưng Yên thuộc huyện Phú Xuyên...

Theo nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, trong những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng, sông Đuống đã bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ở nhiều đoạn. Trên sông Đuống, cao độ đáy sông hạ thấp từ 3,27 – 5,87m; riêng đoạn cửa vào hạ thấp từ 9 – 13m. Trong khi đó, cao độ đáy sông Hồng cũng bị hạ thấp từ 0,36 – 2,81m; riêng tại vị trí trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), đáy sông bị hạ thấp đến… 5m.

Nguyên nhân chung được đưa ra để lý giải cho việc lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp là sự mất cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du và khối lượng cát khai thác. Cụ thể, tổng lượng bùn cát của 3 con sông: Đà, Lô, Thao về hạ du sông Hồng liên tục giảm trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2001 – 2005 là 38,82 triệu mét khối; giai đoạn 2006 – 2010 là 21,9 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 8,41 triệu mét khối và giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến chỉ khoảng 8 triệu mét khối.

Điều đáng nói, mặc dù lượng bùn cát về hạ du liên tục giảm, nhưng khối lượng cát khai thác trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình trung bình mỗi năm lại ngày một tăng. Tính riêng khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, khối lượng này trong giai đoạn 2001 – 2005 là 16,67 triệu mét khối; giai đoạn 2006 – 2010 là 29,61 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 34,78 triệu mét khối, và giai đoạn 2016 – 2020, dự báo sẽ ở mức 37,8 triệu mét khối.

Việc mất cân bằng giữa lượng phù sa lưu chuyển về sông Hồng so với lượng cát bị khai thác là nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng bị hạ thấp. Với việc “cát tặc” vẫn ngày đêm lộng hành, nguồn tài nguyên khoáng sản trên sông Hồng đứng trước nguy cơ ngày một cạn kiệt. Và viễn cảnh “dòng sông mẹ” trở thành con sông “cạn” cũng hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6915812375145126/