Thành Phong ·
1 năm trước
 6892

Ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản cho cho xây dựng đường Vành đai 4

Để sớm hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đường Vành đai 4.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 3/2/2023 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kế hoạch 129-KH/TU, xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan cùng hành động để khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Theo đó, TP sẽ tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về khoáng sản. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Trong đó, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 TP Hà Nội ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đường Vành đai 4, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô.

Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động khai thác trái phép; thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, yêu cầu thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa các mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng sản không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT phổ biến, quá triệt toàn diện nội dung Nghị quyết số 10 đến các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Kịp thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi) đảm bảo phù hợp với thực tiễn của TP.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đến UBND cấp xã và các đơn vị, tổ chức có liên quan; huy động, chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn, giải tỏa, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép theo thẩm quyền.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được triển khai theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Siêu dự án vành đai liên vùng này được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng. Nhóm dự án 2 là đường đô thị song hành dưới thấp. Nhóm dự án 3 là dự án xã hội hóa theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1 và 2 từ ngân sách trung ương - 28.200 tỷ đồng và địa phương - 28.203 tỷ đồng. Nhóm 3 do nhà đầu tư đảm nhận với tổng mức kinh phí 29.410 tỷ đồng.

Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km (qua địa bàn 7 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức); đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.