Ngọc Lan ·
1 năm trước
 1436

Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ.

Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ do thiếu vốn

Sau nhiều lần hứa hẹn với khách hàng, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Bắc Ninh… vẫn không có hoạt động xây dựng. Đa phần khách hàng là công nhân, người thu nhập phải vay mượn tiền, thậm chí vay lãi đóng cho chủ đầu tư. Trong thời gian cuối năm, nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại gây bức xúc cho người dân. 

Nhiều dự án nhà ở chậm tiến độ. Ảnh minh họa. 

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thiếu quỹ đất sạch. Cụ thể, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020; Nhiều địa phương chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định; Thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Trong khi các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn. Ví như, quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư… Hay quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê. 

Về nguồn vốn ưu đãi theo chính sách thì Ngân sách Trung ương chưa bố trí đầy đủ. Giai đoạn 2016-2020 mới bố trí khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân nhanh nhận nhà

Tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định của pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa. 

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ tri, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. 

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trang đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019, trong đó lưu ý quy định phù hợp về sử dụng tiền gửi kho bạc nhà nước tại tổ chức tín dụng, hoàn thành trước ngày 15/12/2022; Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.