Thanh Tâm ·
33 tuần trước
 8958

Vì sao Bộ Công an đề xuất đổi những giấy phép lái xe cấp trước tháng 7-2012?

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất đổi giấy phép lái xe máy vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 sang thẻ nhựa.

Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái máy không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo luật được thông qua, người sử dụng giấy phép lái xe này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ nhựa (PET).

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, giấy phép lái xe đổi sang dạng PET sẽ được cập nhật lên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam, sau đó tích hợp vào ứng dụng VNeID.

Lý giải việc bắt buộc phải đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa, sáng 27/9, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, do giấy phép lái xe máy vật liệu bìa thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Nếu đề xuất được thông qua, ông Thống cho biết Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và mức phí cấp đổi. Tuy nhiên, với số lượng bằng lái xe giấy nhiều như hiện nay sẽ cần có thời gian để người dân đi đổi chứ không thể bắt buộc đổi ngay. Thời gian cho phép cấp đổi có thể trong vòng một vài năm.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết, ủng hộ việc đổi giấy phép lái xe không thời hạn từ bìa giấy sang thẻ nhựa. Bởi theo ông Liên việc chuyển đổi này tạo thuận tiện cho người dân, nhất là khi các dữ liệu được cập nhật và hiển thị trên hệ thống VNeID. Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc thay đổi trên phải có lộ trình, không làm mất thời gian cũng như tốn kém kinh phí cho người dân.

Tương tự, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, để tạo được sự đồng thuận của người dân, chính sách đổi giấy phép lái xe phải đáp ứng được 3 điều kiện, đó là không gây phiền hà cho người dân, chi phí và phải đưa ra lộ trình đổi hợp lý. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến việc không “đẻ” thêm nhiều thủ tục, không buộc người đổi bằng phải học và thi lại. Chính phủ cũng cần có chính sách miễn phí đối với người thuộc diện phải cấp, đổi này. Trường hợp khó khăn chỉ thu tiền in ấn với chi phí khoảng 10.000-30.000 đồng/giấy phép lái xe.

Quy trình đổi Giấy phép lái xe trực tuyến

Việc đổi giấy phép lái xe qua internet không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức, mà còn giảm được khá nhiều chi phí do không phải đến tận nơi làm thủ tục. Hãy thực hiện quy trình đổi Giấy phép lái xe trực tuyến trong vòng 5 phút theo thứ tự các bước sau đây:

Yêu cầu, chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe trực tuyến gồm: Có tài khoản dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản định danh điện tử VneID;

Có giấy khám sức khỏe lái xe điện tử do cơ sở khám chữa bệnh cấp hoặc giấy khám sức khỏe lái xe được chứng thực điện tử tại UBND xã/phường). Nếu đổi GPLX hạng A1, A2, A3 thì khỏi cần giấy này.

Hình chụp màu 2 mặt của giấy phép lái xe đang sử dụng, lưu thành file PDF hoặc file Word (.docx).

Hình chụp màu 2 mặt của CMND/CCCD được lưu thành file PDF hoặc Word (file .docx).

File hình 3x4 nền xanh để tải lên cổng dịch vụ công đổi bằng lái (để in trên bằng lái)

Tài khoản ngân hàng có internet banking hoặc ví điện tử để thanh toán lệ phí đổi bằng lái.

Chi tiết các bước như sau:

Bước 1. Đi khám sức khỏe tại bệnh viện để có giấy chứng nhận chứng khỏe người lái xe

Chuẩn bị 3 hình 3x4 để dán hồ sơ khám sức khỏe và đến bệnh viện, cơ sở y tế có liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe.

Bước 2. Vào trang web đổi giấy phép lái xe trực tuyến và đăng nhập bằng tài khoản dịch vụ công quốc gia

Người có nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe (mức độ 4: đổi GPLX hoàn toàn trực tuyến) truy cập vào "Cổng dịch vụ công trực tuyến" của Cục đường bộ Việt Nam theo liên kết sau:

https://dvc4.gplx.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html

Bấm chọn ô Đổi giấy phép lái xe (hoặc truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập từ khóa "đổi giấy phép lái xe" vào ô tìm kiếm)

Tại giao điện tiếp theo, tiến hành đăng nhập bằng tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc bằng tài khoản Định danh điện tử (VneID) cấp bởi Bộ Công an. Lưu ý: Thông tin tài khoản đăng nhập để đổi GPLX phải trùng với thông tin trên Giấy phép lái xe cần đổi.

Bước 3. Chọn cơ quan tiếp nhận đổi giấy phép lái xe, tra cứu và bổ sung thông tin GPLX

1. Sau khi đăng nhập thành công, tại giao diện hiển thị tiếp theo, ở mục THÔNG TIN CHUNG chọn: Cơ quan tiếp nhận, Địa điểm tiếp nhận và Lý do cấp đổi (hiện chỉ áp dụng cho 3 trường hợp: Đổi GPLX cho phù hợp với năm sinh, tên đệm trong CMND/CCCD; GPLX bị hỏng hoặc GPLX đến hạn đổi).

Tiếp đến, trong mục THÔNG TIN NGƯỜI LÁI XE, nhập số giấy phép lái xe, gồm 12 chữ số vào ô GPLX. Sau đó bấm vào nút Tra cứu.

2. Sau khi bấm nút Tra cứu, hệ thống sẽ tự động tra cứu từ cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông đường bộ của Cục CSGT và Thanh tra giao thông và thông báo cho bạn biết là GPLX có bị các cơ quan này tước hay tạm giữ hay không. Nếu không thì sẽ thông báo bạn có thể thực hiện các bước tiếp theo.

Sau đó giao điện sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin cá nhân của người có GPLX (họ tên, ngày sinh, số CMND/CCCD, nơi cư trú, thường trú) và thông tin liên quan đến GPLX đang sử dụng (số GPLX, ngày cấp, ngày hết hạn, hạng GPLX...).

3. Nếu khi đổi GPLX mà có sự thay đổi về thông tin trên GPLX (ví dụ: đổi từ CMND sang CCCD hoặc thay đổi nơi thường trú) thì nhấp chọn vào các mục tương ứng trong mục Thông tin yêu cầu thay đổi rồi nhập các thông tin cần bổ sung, cập nhật vào các ô.

Bước 4. Nhập thông tin sức khỏe của người lái xe

Tiếp theo, tại mục THÔNG TIN SỨC KHỎE NGƯỜI LÁI XE, click chọn ô Sử dụng giấy khám sức khỏe điện tử hoặc ô Sử dụng giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử.

- Nếu chọn hình thức [Sử dụng GKSK điện tử]: nhập số giấy khám sức khỏe (đã khám tại bệnh viện ở Bước 1) vào ô rồi bấm Tìm kiếm. Hệ thống sẽ kiểm tra và tự động hiển thị thông tin sức khỏe người lái xe.

- Nếu chọn hình thức [Sử dụng GKSK chứng thực điện tử]: Chọn file Giấy KSK chứng thực điện tử (tức là giấy khám sức khỏe chứng thực ở UBND phường, xã, file định dạng PDF, kích thước không quá 10MB) lưu trên máy tính hoặc điện thoại rồi tải lên để hệ thống kiểm tra và hiển thị thông tin sức khỏe của người lái xe.

Bước 5: Tải lên ảnh chụp chân dung để in trên GPLX

Sau khi hệ thống hiển thị kết quả tra cứu giấy khám sức khỏe thành công, tiếp tục chọn và tải lên hệ thống file ảnh chụp chân dung theo đúng yêu cầu (cỡ ảnh 3x4 cm, phông nền màu xanh; sử dụng trang phục tránh màu trắng, đen...). Ảnh này được sử dụng để in trực tiếp lên giấy phép lái xe.

Để xem yêu cầu về ảnh chụp đạt chuẩn, bấm vào dòng Xem chi tiết > trong mục ẢNH CHÂN DUNG.

Bước 6: Tải file ảnh màu GPLX và CMND/CCCD lên Cổng dịch vụ công

Chọn file ảnh Giấy phép lái xe và file ảnh CMND/Căn cước công dân (đã scan hoặc chụp chuẩn bị sẵn, lưu trên máy tính hoặc điện thoại) rồi tải từng file lên hệ thống.

Lưu ý: Mỗi loại giấy tờ là 01 file scan, hỉnh chụp đầy đủ 2 mặt, có màu, định dạng file .pdf hoặc .docx (file Word 2007 trở lên), kích thước không quá 10MB/file.

Bước 7. Kiểm tra, bổ sung thông tin; cam kết và nộp trực tuyến hồ sơ đổi GPLX

Kiểm tra lại toàn bộ thông tin đã kê khai ở các bước nêu trên, bổ sung thêm số điện thoại di động, địa chỉ email để hệ thống thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ.

Tiếp đến, nhấp chọn vào ô "Tôi cam kết giấy phép lái xe yêu cầu đổi hiện tại không bị tước hoặc bị tạm giữ do vi phạm giao thông. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã kê khai".  Bấm vào nút Tiếp tục.

Bước 8. Chọn hình thức thanh toán và nhận GPLX, khai báo địa chỉ nhận GPLX

Tại giao điện tiếp theo, bấm chọn hình thức nhận GPLX là Thanh toán và nhận kết quả tại nhà. Sau  đó, kê khai chính xác địa chỉ nhà nơi sẽ nhận được GPLX, rồi bấm chọn nút Thanh toán và nộp hồ sơ.

Bước 9. Chọn hình thức thanh toán lệ phí đổi GPLX trực tuyến

Tại màn hình tiếp theo, chọn hình thức thanh toán lệ phí trực tuyến bằng tài khoản ngân hàng hoặc bằng ví điện tử, rồi tiến hành các bước thanh toán. Lệ phí cấp đổi GPLX là 135.000 đồng.

Sau khi hoàn thành việc thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông báo nộp hồ sơ thành công, trong đó có mã hồ sơ (dùng để tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ). Bấm “Tải biên lai” để tải file biên lai nộp lệ phí về máy để đối chiếu khi cần.

Đồng thời, sau khi nộp hồ sơ thành công, hoặc hồ sơ được xử lý thì bạn sẽ nhận được email thông báo từ Cổng dịch vụ công.

Bước 10. Tra cứu, theo dõi kết quả giải quyết cấp GPLX

Đăng nhập vào trang Đổi GPLX trực tuyến theo địa chỉ trên, bấm vào tên tài khoản, chọn mục Thông tin cá nhân để tra cứu tiến độ giải quyết cấp GPLX.

Hoặc cũng có thể dùng mã hồ sơ để tra cứu tiến độ giải quyết cấp GPLX trong thẻ TRA CỨU HỒ SƠ trên trang chủ của Cổng dịch vụ công quốc gia. Nếu kết quả hồ sơ ghi “Đã tiếp nhận” có nghĩa là bạn đã hoàn thành việc nộp hồ sơ cấp giấy phép lái xe qua mạng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6884409078285456/