Thành Phong ·
1 năm trước
 8020

Vì sao giá sản xuất điện vẫn cao hơn giá bán lẻ bình quân?

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá thành khâu truyền tải, phân phối – bán lẻ và phụ trợ đến tháng 10-2023 là khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

EVN cho biết, hiện nay, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện sẽ ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.

Cập nhật đến tháng 10-2023 cho thấy, giá nhiên liệu mặc dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020 - 2021 (giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021).

Chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao.

Các thông số đầu vào mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây (bao gồm các thông số đầu vào cho các nhà máy điện sử dụng than nhập, than pha trộn, các nhà máy điện tuabin khí như các chỉ số gbNewC, ICI3, dầu HSFO, dầu Brent).

Bên cạnh đó, do khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.

Giá nhiên liệu tăng cao làm cho giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao, trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.

Mặt khác, theo EVN, tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh cũng là yếu tố tác động đến giá thành sản xuất điện. Bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021.

Trong khi đó, về cơ cấu nguồn, thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh.

Và nhờ có thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí nên giá thành khâu truyền tải, phân phối – bán lẻ và phụ trợ giảm dần qua các năm.

Năm 2020, giá thành các khâu này là 392,9 đồng/kWh nhưng ước năm 2023 vào khoảng 347 đồng/kWh.

Vì các nguyên nhân trên, chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao. Giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

Điều chỉnh giá điện theo lộ trình

Theo văn bản số 8309/VPCP-KTTH ngày 24/10/2023 của Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương tại văn bản số 190/BC-BCT ngày 10 tháng 10 năm 2023 về về việc xử lý thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá điện 03 tháng một lần tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bản lẻ điện bình quân (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Trên thực tế, thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai xây dựng Dự thảo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg theo hướng điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục, đồng thời để phù hợp với các quy định hiện hành khác với nhiều điểm mới và đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai.

Theo đó, Dự thảo Quyết định đã thể hiện được tính kế thừa và có thêm nhiều điểm mới như sau:

Một là, quy định về điều chỉnh giảm giá điện. Dự thảo kế thừa và làm rõ quy định khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên thì thực hiện giảm giá điện, tránh gây lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng thực hiện điều chỉnh giá theo ý kiến góp ý của một số đơn vị.

Hai là, về hồ sơ, phương pháp tính toán và số liệu sử dụng. Dự thảo quy định rõ hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm, cụ thể như: Báo cáo tài chính, Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện; Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm N-2 do Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện; Sửa đổi, bổ sung phương pháp và công thức lập giá bán điện bình quân phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Ba là, quy định cụ thể về các mốc thời gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm. Dự thảo quy định rõ trước ngày 25 tháng 01 hằng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm căn cứ các số liệu nêu trên và bổ sung vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong bước kiểm tra, rà soát phương án giá và kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm, kiểm tra điều chỉnh giá điện.

Bốn là, Nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu là 03 tháng (thay vì 06 tháng như quy định hiện hành). Việc này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục

Năm là, Dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục chung để thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện khi có chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Qua đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hỗ trợ giảm tiền điện như đã triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm 2020 và 2021.

Có thể khẳng định, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến phương pháp tính toán, số liệu sử dụng cũng như trình tự, thủ tục trong quá trình xây dựng và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm, đảm bảo công khai minh bạch trong điều hành giá điện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7017225325003830