Nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3. Ảnh: VGP
Với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 vừa được đại diện UBND thành phố Hà Nội là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thông báo kế hoạch khởi công vào tháng 6/2023.
3 hạng mục khiến dự án tiêu tốn 3.200 tỷ
Theo kế hoạch ban đầu được Thủ tướng phê duyệt năm 2020, dự án đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có tổng mức đầu tư 2.535 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố Hà Nội.
Tới tháng 4/2022, quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được thông qua và chấp thuận việc tăng vốn lên mức 3.248,7 tỷ đồng. Mức đầu tư này cao hơn nhiều những nút giao trước đây được xây dựng tại Hà Nội như: Nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hơn 400 tỷ đồng, hoàn thành năm 2020); nút giao hoa thị quốc lộ 5 - vành đai 3 (hơn 1.700 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015)…
Tuy nhiên, dự án xây dựng nút giao và đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3 có một số điểm khác biệt so với những dự án trên.
Trong đó, tuyến đường kết nối từ Tứ Hiệp đến vành đai 3 sẽ được xây mới hoàn toàn với chiều dài hơn 3,4 km rộng 60 m bao gồm 6 làn xe cao tốc dành riêng cho ôtô rộng 3,5 m/làn. Hai bên làn cao tốc có thêm 4 làn xe hỗn hợp rộng 3,5 m/làn. Diện tích sử dụng đất của tuyến đường theo UBND Hà Nội là 31,05 ha. Con số này tương đương và có phần nhỉnh hơn so với các tuyến đường khác cùng quy mô như dự án vành đai 3 Mai Dịch - Cầu Thăng Long (dài khoảng 5,5 km, sử dụng đất khoảng 39,1 ha).
Phần lớn tuyến đường sẽ chạy qua khu vực hiện trạng là hồ nước và ruộng. Đoạn giáp với đường vành đai 3 là khu vực sẽ phải giải tỏa nhiều nhà dân vốn đã xây dựng dày đặc trước đó. Cơ quan chức năng hiện chưa đưa ra phương án cụ thể dành cho GPMB.
Tại nút giao với đường vành đai 3, để kết nối với làn đường trên cao, cơ quan chức năng dự kiến xây dựng 2 cầu cạn chạy xuyên qua làn đường gom. Trong khi đó, nút giao Tứ Hiệp sẽ được xây dựng dạng bán hoa thị.
Như vậy tổng thể dự án này không chỉ là một nút giao mà bao gồm 2 nút giao khác mức (Tứ Hiệp, vành đai 3) cùng một tuyến đường 10 làn xe dài hơn 3,4 km. Do vậy, đây được coi là một trong những dự án xây dựng nút giao hoàn chỉnh có quy mô đầu tư lớn nhất Hà Nội.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có Tờ trình lên UBND Thành phố về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc cho nút giao giữa hai tuyến đường này.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cũng được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành Trung ương thẩm định, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật… Tuyến đường được xây dựng để mở ra hướng kết nối thứ hai từ cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đến Vành đai 3, theo hướng đi cầu Thanh Trì, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô vốn đang chịu áp lực giao thông cực kỳ lớn.
Việc hình thành tuyến đường theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía nam, đông nam Thành phố.
Theo Diễn đàn Sự thật