Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, cùng với nắng nóng quay trở lại các tỉnh phía Bắc, lượng điện tiêu thụ gia tăng rất mạnh kéo theo lượng điện tiết giảm ở các địa phương phía Bắc cao gần gấp đôi so với ngày liền kề trước đó.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh.
Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) cũng tăng cao hơn so với ngày hôm qua. Cụ thể, công suất hệ thống đạt đỉnh vào lúc 14h30 đạt 40.039 MW.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn, cơ quan điện lực cho biết công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, con số này tăng lên so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.
Tại cuộc họp với Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực EVN cho biết, thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để đảm bảo cung cấp điện.
Tình trạng báo động về thiếu điện đã nghiêm trọng, nguồn nước cấp cho nhà máy thủy điện đều xuống mức rất thấp, thậm chí nhiều hồ ở mực nước chết. (Ảnh minh họa).
Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6, 7-2023 của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt ở khu vực miền Bắc sẽ duy trì mức rất cao. Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6,7 là 12,33 tỉ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.
Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký giữa EVN với TKV và Đông Bắc là 4,388 triệu tấn, còn thiếu khoảng 1,642 triệu tấn so với kế hoạch. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) dự kiến chủ động bổ sung được khoảng 600.000 tấn trong tháng 6 và tháng 7.
Như vậy, khối lượng than còn thiếu khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN (khoảng 600.000 tấn trong tháng 6 và 400.000 tấn trong tháng 7).
Thêm vào đó, do hạn chế huy động các nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu (ngoại trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình) để dự phòng các ngày nắng nóng sắp tới nên mực nước các hồ thủy điện đa mục tiêu đều đã trên mực nước chết tuy nhiên chưa nhiều.
Theo ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, hiện nước trong hồ thủy điện chỉ còn đủ chạy khoảng 12 ngày chạy hết công suất và sau đó phải dừng máy. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống thủy điện phía Bắc sẽ gần như không tham gia sản xuất, cung ứng vào hệ thống điện.
Ngoài ra, từ tháng 5 đến nay, với tình hình khô hạn, nước về hồ rất thấp, các thuỷ điện trên hệ thống sông Đà đang đối mặt quá nhiều khó khăn. Giờ mỗi tổ máy 240 MW của thủy điện Hoà Bình đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế.
Cũng theo Bộ Công Thương, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo. Tuy nhiên do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trước những khó khăn về nguồn điện, miền Bắc sẽ tăng cắt điện trở lại.
Được biết, hàng năm cứ vào từ tháng 4 đầu hè, tình trạng báo động an toàn điện lại được bàn đến. Năm nay có điểm đặc biệt là khí hậu cực đoan xuất hiện, chưa bao giờ đầu hè nắng nóng đến 43 độ C.
Trong khi nguồn nước cấp cho nhà máy thủy điện đều xuống mức rất thấp, trong số 28 hồ thủy điện thì nhiều hồ ở mực nước chết. Tình trạng báo động về thiếu điện đã nghiêm trọng, nhiều nơi bị cắt điện gây xáo trộn rất lớn trong đời sống và thiệt hại kinh tế.
Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương, trước mắt chưa đến mức phải công bố tình trang khẩn cấp về thiếu điện, tuy nhiên vẫn phải cẩn trọng vì bây giờ mới chỉ là giai đoan đầu của mùa hè và yếu tố cực đoan của biến đổi khi hâu có thể xảy ra.
"Cần phải huy động ngay các nhà máy năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời để chuyển tiếp đưa vào vận hành với giá tạm tính, trước khi thống nhất được giá bán điện giữa các bên. Cùng với đó phải ngay lập tức giải quyết những khó khăn vướng mắc về các quy chế, quy định kỹ thuật để hòa điện năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia" - TS Ngô Đức Lâm nhận định.
Ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng. Theo đó, mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia. Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia); hết năm 2025 tất cả đèn đường sử dụng bóng LED. |