Thành Vũ ·
31 tuần trước
 8956

Vì sao Nhà máy sô đa Chu Lai bị trả lại hồ sơ cấp phép môi trường?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và đề nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa ký văn bản gửi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tiến (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) thông báo việc trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất sô đa công suất 200.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai được Bộ này phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2010, được Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lại cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2009.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở là Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tiến cần bổ sung các văn bản pháp lý để minh chứng là chủ dự án đầu tư, cơ sở đối với nhà máy trên; từ đó mới có cơ sở xem xét cấp giấy phép môi trường.

Hơn nữa, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho thấy nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Đến thời điểm nộp hồ sơ, nhà máy chưa có giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

"Đề nghị công ty giải trình, làm rõ lý do chưa được cấp giấy phép môi trường thành phần nêu trên", Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu.

Ảnh minh họa

Vượt quy chuẩn nhiều thông số

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp, Núi Thành) gặp sự cố môi trường phải dừng hoạt động vào năm 2016. Năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất & kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) sau khi nghiên cứu kỹ đã tiếp quản và đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ và được phép vận hành thử nghiệm trở lại từ đầu năm 2022.

Ông Nguyễn Công Thanh Hiển - Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng (Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp tỉnh) cho biết, Công ty Tân Tiến qua 2 đợt đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế, sửa chữa các thiết bị. máy móc không đồng bộ trước đây.

Doanh nghiệp đã đầu tư khu xử lý nước thải, bãi chứa chất thải rắn, hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải... Công ty Tân Tiến đã thay mới 60 - 70% máy móc, vật liệu, công nghệ trước đây. Công suất thiết kế của nhà máy sản xuất sô đa là 200 nghìn tấn/năm, đến nay đã vận hành đạt 70%.

Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh, qua nắm tình hình, tiếp nhận thông tin về quá trình vận hành thử nghiệm Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai phát sinh khói thải, mùi hôi, có hiện tượng cây chết xung quanh nên đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) tiến hành kiểm tra vào ngày 9/2.

Tại nhà máy có mùi hôi của hóa chất. Một số cây dương liễu gần bể xử nước thải đã chết. Một ít lượng nước thải tại bể đầu tiên thấm qua thân đê, thoát ra môi trường.

Hệ thống thu gom nước mưa chưa được xây hoàn chỉnh. Nhà máy cũng chưa có biện pháp giảm thiểu bụi tại bãi xỉ than. Đoàn công tác đã lấy 1 mẫu nước thải tại bể cuối cùng để phân tích. Kết quả có 4 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật gồm nhu cầu ô xy hóa học (COD) vượt 6,9 lần; Niken (Ni) vượt 1,9 lần; Mangan (Mn) vượt 1,06 lần; tổng Phốt pho (P) vượt 5,08 lần.

Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT, ngày 20/3/2023, Sở TN-MT phối hợp với Phòng TN-MT (Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp), Phòng TN-MT huyện Núi Thành giám sát quá trình vận hành thử nghiệm của Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Kết quả cho thấy nước thải tại 2 hồ lắng số 1 và số 2 có hiện tượng rò rỉ ra ngoài hàng rào nhà máy; bờ bao tại 2 hồ lắng có nguy cơ sạt lở; chưa thiết kế điểm lấy mẫu tại các ống khói để đơn vị quan trắc lấy mẫu theo đúng quy định; bãi chứa chất thải rắn công nghiệp chưa đắp đê ngăn nên chất thải rắn lưu chứa rơi vãi xung quanh; hệ thống quan trắc online kết nối về Sở TN-MT không ổn định.

Cần rà soát, giải trình rõ các nội dung thay đổi so với ĐTM

Cũng theo hồ sơ gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy trình công nghệ sản xuất sô đa có thay đổi so với ĐTM được phê duyệt. Nhà máy đã bổ sung thêm công đoạn chưng cất để thu hồi NH3 và CO2… nhưng phần thay đổi so với ĐTM trong hồ sơ lại không có nội dung giải trình việc này.

Vì thế, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Tân Tiến rà soát, giải trình rõ các nội dung thay đổi so với ĐTM được phê duyệt, bổ sung căn cứ pháp lý cho việc thay đổi và khẳng định rõ thay đổi đó có thuộc đối tượng phải lập ĐTM theo Nghị định số 08/2022 của Chính phủ không.

Như Dân trí thông tin trước đó, Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai được cấp giấy chứng nhận sản xuất sô đa công nghiệp, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên 100 triệu USD

Quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm, thiết bị của nhà máy không đúng tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Hơn nữa, sau sự cố giàn khoan 981 năm 2014, nhà thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) của Trung Quốc "một đi không trở lại", khiến nhà máy rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Năm 2018, các ngân hàng tham gia cho nhà máy vay đã thống nhất chấp thuận cho Công ty Tân Tiến hợp tác và đầu tư để Nhà máy sô đa Chu Lai đi vào hoạt động.

Năm 2021, Công ty sô đa Chu Lai và Công ty Tân Tiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó giao cho Công ty Tân Tiến toàn quyền chủ động quản lý, vận hành và kinh doanh nhà máy.

Tháng 3/2023, Công ty sô đa Chu Lai gửi văn bản báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam để được tạo điều kiện cho nhà máy đi vào hoạt động chính thức, sản xuất ổn định, tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7353752984684394/