Thành Phong ·
20 tuần trước
 8916

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được cấp phép môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường tại đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thuộc 4 quận nội thành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (trụ sở số 8 Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ sở "Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông" thuộc các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông.

Giấy phép môi trường quy định chi tiết về nguồn phát sinh nước thải sinh hoạt từ 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông 

Tại Trung tâm vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định chi tiết về xử lý nguồn phát sinh nước thải sinh hoạt từ nhà ký túc xá của công nhân viên; xưởng duy tu tổng hợp; trạm xử lý nước thải; kho vật tư; xưởng vệ sinh tàu…

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chỉ được thực hiện các nội dung cấp phép sau khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tương ứng. Vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải, bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép và phải dừng ngay việc xả nước thải, khí thải, phát sinh tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục.

Đồng thời báo cáo kịp thời về cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng địa phương nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu định kỳ hàng năm doanh nghiệp phải tiến hành duy tu, bảo dưỡng thiết bị, máy móc của trạm xử lý nước thải sinh hoạt và trạm xử lý nước thải nhiễm dầu; nạo vét đường ống thu gom nước thải và xả nước thải sau xử lý.

Trong quá trình vận hành thử nghiệm, giám sát các chất ô nhiễm có trong dòng nước thải và đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý nước thải theo giá trị giới hạn cho phép. Nhật ký vận hành viết bằng tiếng Việt và lưu giữ tối thiểu 2 năm. 

"Trường hợp việc xả nước thải sau xử lý gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng công trình thoát nước chung, công trình thủy lợi, công ty phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý để giải quyết theo quy định pháp luật. Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xả nước thải ra môi trường chưa đáp ứng quy định về xả thải", Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở này.

Thời hạn của giấy phép môi trường nêu trên là 7 năm (đến tháng 11/2030).

Tàu Cát Linh-Hà Đông đạt hơn 7 triệu lượt khách

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2023, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt của Hà Nội vận chuyển hơn 417,2 triệu lượt khách (đạt 96,4% so với kế hoạch, tăng 56,8% so với cùng kỳ).

Cuối tháng 12/2022, Chính phủ có quyết định bổ sung hơn 910 tỷ đồng cho phần đã thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông của Bộ Giao thông vận tải. Đây là số vốn trong kế hoạch, để giải ngân cho phần dự án đã thực hiện và không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án này.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là một trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.

Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chính thức ký kết bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước.