Thanh Tâm ·
1 năm trước
 7903

Vị thế của nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa bị lấn áp trong năm 2022

Các sản phẩm dầu, khí đốt và than đá tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong việc đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng trong năm 2022, dù công suất năng lượng tái tạo đã tăng.

Khí thải từ nhà máy điện than ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo thường niên Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới công bố ngày 26/6 cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 1% trong năm ngoái, và đà tăng trưởng cao kỷ lục của năng lượng tái tạo không làm lay chuyển vị thế vượt trội của nhiên liệu hoá thạch, vốn vẫn chiếm 82% nguồn cung năng lượng.

2022 là một năm đầy bất ổn với các thị trường năng lượng, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Căng thẳng này đã khiến giá khí đốt và than đá tăng lên các mức cao kỷ lục tại châu Âu và châu Á.

Các sản phẩm dầu, khí đốt và than đá tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong việc đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng trong năm 2022, dù công suất năng lượng tái tạo đã tăng tổng cộng 266 gigawatt, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó đứng đầu là năng lượng Mặt Trời.

Chủ tịch Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh, bà Juliet Davenport, cho biết dù năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió tiếp tục tăng mạnh, nhưng tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu liên quan đến năng lượng vẫn gia tăng, trái ngược với yêu cầu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho biết đến năm 2030, thế giới cần cắt giảm khoảng 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2019 để có thể nuôi hy vọng đạt được mục tiêu đã đặt ra trong Hiệp định Paris là giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm 2022 là năm đầu tiên Viện Năng lượng thực hiện Báo cáo Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới cùng với các công ty tư vấn KPMG và Kearny, sau khi tiếp quản nhiệm vụ này từ tập đoàn khí đốt BP, đơn vị thực hiện báo cáo trên từ những năm 1950. Đây là một báo cáo toàn diện về sản lượng, mức tiêu thụ và lượng phát thải năng lượng trên thế giới.