Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3602

VIASEE: Sứ mệnh mới, tầm nhìn mới

Trong nhiệm kỳ mới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng trí thức, các nhà nghiên cứu về KH&CN cũng như đổi mới, nâng cao hoạt động của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường

Bối cảnh chung của thế giới đã có những tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu, suy thoái, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên đáng báo động trong khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng càng làm cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ trên đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Chính vì vậy, việc thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (năm 2000) đã đóng góp lớn cho sự nghiệp kinh tế xanh bền vững và bảo vệ môi trường của đất nước. 

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được các kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Hội trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức trong, ngoài nước. 

Từ cuối 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các hội viên, nhất là khi dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp. 

Theo TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN&MT, để góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, trong năm 2021, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cần tập trung chú trọng thực hiện 3 nhóm hoạt động chính. 

Một là, tập hợp lực lượng hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường song hành với phát triển bền vững kinh tế. Tiếp tục tập hợp, củng cố đội ngũ những người hoạt động trong Hội tâm huyết ở Trung ương và địa phương, tăng cường mở rộng thêm về đối tượng tham gia từ các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy đến những cán bộ nghỉ hưu... 

Trong đó, đội ngũ chuyên gia không chỉ đòi hỏi năng lực giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc công tâm, công bằng, đóng góp những ý kiến khách quan theo hướng xây dựng đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra những sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, cũng như các giải pháp phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực; Phối hợp và liên kết vùng giữa các hội địa phương. Các hoạt động của TW Hội cần đi sát với yêu cầu từng vùng miền, trên cơ sở tìm hiểu kỹ điều kiện của từng nơi, phải chuyển giao được những công nghệ phù hợp, thiết thực, tư vấn hiệu quả góp phần vào sự phát triển của từng địa phương. 

Hai là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt với Bộ TN&MT, trong đó có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

nhặt rác biển

Việc bảo vệ môi trường được triển khai với nhiều hoạt động và đạt được các kết quả tích cực. (Ảnh minh họa).

Đây vừa là cơ hội để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Truyền thông và phổ biến kiến thức của TW Hội trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường; Vừa là dịp để các nhà khoa học của TW Hội tham gia hỗ trợ về kỹ thuật và pháp lý cho các hoạt động của Bộ TN&MT.

Ba là, tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương, về tình hình Biển Đông, tình hình ASEAN và các kết quả hội nghị cấp cao ASEAN nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính thức về tình hình trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên, trí thức. 

Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng trí thức, các nhà nghiên cứu về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác với các hội, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà mong muốn mỗi người dân nói chung và bạn đọc của Tạp chí nói riêng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường, cùng chung tay bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất là không làm phát sinh chất thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình ra ngoài môi trường, đến việc tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp để bảo đảm: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng Tạp chí

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, hoạt động đóng vai trò chủ đạo để thực hiện “kim chỉ nam” trong hoạt động của TW Hội đó là công tác truyền thông của Tạp chí Kinh tế Môi trường - Cơ quan ngôn luận của TW Hội. 

hội thảo khoa học

Hội thảo Khoa học Kinh tế Môi trường trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững, tháng 9/2017.

“Suốt cả quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi cũng rất tự hào khi Tạp chí luôn được đánh giá là có bản sắc riêng trong hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Xây dựng nền kinh tế xanh quốc gia dựa trên các trụ cột kinh tế - môi trường - xã hội luôn là tôn chỉ, mục đích trong các thông điệp truyền thông của Tạp chí”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

Định hướng hoạt động trong bối cảnh thực hiện quy hoạch báo chí và vấn đề kinh tế môi trường đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, TS Tạ Đình Thi cho rằng, trong giai đoạn mới, Tạp chí cần sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phải là lá cờ đầu trong việc cung cấp thông tin chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế môi trường. 

“Cần mở rộng phạm vi phản ánh thông tin về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh trong nước và quốc tế, đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, có chiều sâu, các dự án, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kinh tế môi trường. Kiện toàn tổ chức, kết nạp thêm hội viên, cộng tác viên, thu hút các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, môi trường tham gia viết bài”, TS Tạ Đình Thi trao đổi. 

Bên cạnh đó, Tạp chí cần tiếp tục củng cố và điều chỉnh tổ chức, nâng cao chất lượng ấn phẩm, hoạt động của Tạp chí cho phù hợp với sự phát triển trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. 

Đồng thời, TS Tạ Đình Thi bày tỏ mong muốn TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai nhiều chương trình, nội dung về biển, đảo, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Nguồn