14 tỷ USD mỗi năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng
Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu đặt ra cho Việt Nam là hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững. Tại Hội nghị COP26 gần đây, Việt Nam đã tuyên bố sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ cần một phương pháp tiếp cận có hệ thống để huy động lượng lớn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, theo ước tính của chúng tôi vào khoảng 12 - 14 tỷ USD mỗi năm. Những đổi mới kịp thời trong môi trường đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực sẽ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, giúp thu hút phần lớn các khoản đầu tư cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các quy định tạo điều kiện cho tài chính công, bao gồm phân bổ nguồn vốn ODA và các quỹ khí hậu cho ngành điện để tạo hiệu ứng hỗ trợ và thúc đẩy khu vực tư nhân, chẳng hạn như phát triển lưới điện hay các dự án PPP.
Việt Nam có trách nhiệm cùng với các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện cho cả nền kinh tế chứ không chỉ là các giải pháp đơn lẻ. Các lĩnh vực ưu tiên này cũng đã được các nhóm công tác kỹ thuật của VEPG phản ánh trong các khuyến nghị trước đây. Điều quan trọng bây giờ là biến những khuyến nghị này thành các hành động chính sách thực sự hiệu quả.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng
Trước đó, vào tháng 12/2022, Việt Nam đã hoàn thành Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế.
Đặc biệt, trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam xác định, sự quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ mà cần sự chung tay của cả người dân, doanh nghiệp. Sự thành công của JETP cần được chứng tỏ rằng sẽ vận động được sự tham gia tích cực của khối tư nhân vào chuyển đổi năng lượng. Việc này phải đảm bảo công bằng cho các đối tượng. Và Việt Nam, với khát vọng thực hiện JETP nhanh và hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, mà WB luôn là đối tác tin cậy.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế. Việt Nam coi JETP là kênh quan trọng chủ yếu để nhận được hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các nước phát triển và định chế tài chính để chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tại buổi tiếp Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh và Cố vấn chính về ngoại giao năng lượng của Liên minh châu u (EU) mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, về dài hạn và tổng thể, chuyển đổi xanh sẽ mang lại tài nguyên, năng lượng mới và khổng lồ, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, chi phí đầu tư do tác động biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để các nước đang phát triển đạt được mục tiêu và thành công như các nước phát triển, cần nhận rõ các thách thức, vướng mắc cụ thể để cùng giải quyết cũng như cơ chế hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị…, trong đó, nguồn tài chính từ các chính phủ đóng vai trò dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân.
Việt Nam có trách nhiệm cùng với các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, "nhưng cần có cơ chế để cùng hành động".
"Nhiệt độ Trái đất không giảm đi chỉ bằng những cuộc thảo luận hay tuyên bố mà phải bằng sự chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, công nghệ, nguồn lực… trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là không có giải pháp công nghệ thì không thể làm được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là vấn đề lâu dài và không dễ dàng, Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh Chris Taylor bày tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong thực hiện JETP; đồng thời nhấn mạnh cần có chính sách hài hòa để giải quyết các thách thức và cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo quy hoạch mà Bộ Công Thương đang trình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 16.000 MW điện gió trên mặt đất, 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên lần lượt là 56.000 MW và 64.000 MW. Đối với điện mặt trời phải có đến 87.000 MW vào năm 2045… Dự kiến, đến năm 2050 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, nên nguồn vốn để thực hiện theo Quy hoạch điện 8 là thách thức không nhỏ. |