Hồ Hằng ·
1 năm trước
 7196

Việt Nam vẫn đang ở thế thuận lợi để tăng tốc

Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam vẫn đang ở thế thuận lợi để tăng tốc, bứt phá khỏi thế khó khăn. Bức tranh kinh tế của Việt Nam sắp tới vẫn có những điểm sáng.

Theo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố trong tuần qua, trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, các quốc gia như Indonesia, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng năm 2023 ở mức khiêm tốn hơn so với năm 2022.

Hãng tin AP đưa ra những lý giải cho những khó khăn của nền kinh tế khu vực: Nhu cầu xuất khẩu từ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã chậm lại, do Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là những "thách thức tức thời" nhất với khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

"Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa, tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả", bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá.

"Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng đến mức gắn bó với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh các đối tác thương mại truyền thống, Việt Nam có nhiều lựa chọn đối tác phong phú để khai thác thêm. Việc mở rộng thương mại là cần thiết và quan trọng", GS.TS kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định.

Báo cáo mới được công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm nay, nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử, máy móc, dệt may và giày dép.

Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á (gồm các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ) trong năm 2023.

OECD cũng dự báo mức tăng 6,6% trong năm 2024 đối với nền kinh tế Việt Nam.