Bích Ngọc ·
22 tuần trước
 8720

VietinBank “đứng ngồi không yên” với khoản nợ 7.000 tỷ của Xi măng Công Thanh

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) như ngồi trên đống lửa khi là chủ nợ lớn nhất của CTCP Xi măng Công Thanh. Hiện ngân hàng này đang ráo riết tìm phương án để ngân hàng có thể thu hồi nợ.

Nhìn vào báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 cho thấy, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 353 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái. giảm 69%. Kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính cao đã làm cho công ty này lỗ sau thuế gần 609 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 539 tỷ.

Từ đó khiến cho lỗ lũy kế của công ty là 6.689 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.789 tỷ đồng tại ngày 30/6.

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn (xấp xỉ 2.586 tỷ đồng). Công ty cũng chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.593 tỷ đồng cho Ngân hàng VietinBank, khoản vay ngắn hạn với số tiền gần 287 tỷ đồng cho Ngân hàng SHB với tổng tiền lãi vay quá hạn là 333 tỷ cho các ngân hàng này.

Cuối kỳ, nợ phải trả là hơn 17.963 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ tài chính là 7.317 tỷ với 2 nhà băng lớn là VietinBank và SHB. Theo đó, các khoản vay nợ tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là hơn 7.030 tỷ đồng và hơn 287 tỷ đồng đang nợ ngân hàng SHB - Chi nhánh Vạn Phúc.

Trong hơn 7.030 tỷ đồng vay nợ tại VietinBank thì có hơn 1.743 tỷ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, các khoản vay dài hạn đến hạn trả là 1.260 tỷ đồng, và 482 tỷ là khoản nợ trái phiếu đến hạn trả. Còn lại 5.287 tỷ đồng các khoản vay dài hạn, gồm có 4.648 tỷ đồng các khoản vay dài hạn từ các hợp đồng tín dụng và 3.383 tỷ từ trái phiếu.

VietinBank ngồi trên đống lửa với khoản nợ của Xi măng Công Thanh. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Còn về khoản nợ hơn 287 tỷ đồng với SHB, theo thuyết minh trong BCTC, đây là phần còn lại trong khoản vay ngắn hạn mà đơn vị đã vay ngân hàng SHB từ năm 2017 để bổ sung vốn lưu động. Đến ngày 29/11/2018, công ty không thể thanh toán số tiền hơn 369 tỷ đồng với SHB.

Sau đó, vào năm 2019, SHB đã bán khoản nợ này lại cho VAMC theo Hợp đồng mua bán nợ số 3051/2019/MBN.VAMC-SHB. Tuy vậy, tháng 11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC theo HĐ số 444/2021/BN.VAMC-SHB và duy trì tới nay.

Vietinbank ráo riết tìm phương án "cứu chữa"

Với khoản nợ 7.030 tỷ của Xi măng Công Thanh, việc khách hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, từ năm 2017 Vietinbank chi nhánh Tp.HCM đã có công văn 9507/TGĐ-NHCT.52.2 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu đầu tư dự án dây chuyền II nhà máy xi măng Công Thanh.

Cụ thể, đối với phần nợ gốc, công ty phải thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn theo lộ trình tới hết năm 2035, căn cứ theo lịch trả nợ sau cơ cấu. Đối với khoản nợ lãi, Vietinbank yêu cầu Xi măng Công Thanh thanh toán thành 2 phương án.

Đối với phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016 chưa thanh toán, Xi măng Công Thanh sẽ phải trả trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2026. Còn với lãi vay phát sinh giai đoạn từ năm 2017 tới 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035. Bên cạnh đó, đối với phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch phát sinh so với với thực tế sẽ được thanh toán vào năm 2035.

Nhằm tạo điều kiện, duy trì hoạt động sản xuất của Xi măng Công Thanh, vào ngày 5/9/2017, Vietinbank đã có động thái tạo điều kiện khi ra văn bản đồng ý chia sẻ cho SHB - Chi nhánh Vạn Phúc về khối tài sản đảm bảo mà Xi măng Công Thanh đang thế chấp tại Vietinbank và nguồn thu của công ty. Tuy nhiên, đổi lại SHB đồng ý tài trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (với hạn mức tối thiểu 450 tỷ đồng). Đây là nguồn gốc của khoản nợ ngắn hạn mà Xi măng Công Thanh đang nợ SHB chi nhánh Vạn Phúc và đã được mua đi bán lại như nêu trên.

Những dây chuyền sản xuất cùng nhiều tài sản của bên thứ 3 được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Xi măng Công Thanh.

Như vậy, trong thời gian qua với kết quả kinh doanh không mấy khả quan đã khiến Xi măng Công Thanh gặp khó khăn trong việc thu xếp các nguồn vốn để trả nợ và khả năng duy trì hoạt động liên tục khiến cho các chủ nợ lớn như "đứng ngồi không yên" về nguy cơ mất vốn.

Vietinbank là chủ nợ lớn với nhiều nghìn tỷ đồng đã "tài trợ" cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Công Thanh, trước tình hình kinh doanh không khả quan và thanh toán chậm trễ, ngày 24/3/2021, Vietinbank đã có văn bản yêu cầu Xi măng Công Thanh xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 để thanh toán nghĩa vụ trả nợ còn thiếu.

Tuy vậy, ngày 27/5/2021, Công ty có văn bản đến Vietinbank đề xuất chưa thực hiện xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3, nguyên nhân là công ty vẫn đang trả nợ dựa trên doanh thu và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã cam kết với Vietinbank.

Đến ngày 5/4, phía Xi măng Công Thanh và Vietinbank đã thống nhất theo thỏa thuận tạm thời trả nợ đến ngày 30/6/2023 theo từng hợp đồng kinh doanh cụ thể bao gồm cả clinker và xi măng. Vietinbank sau đó phối hợp với công ty tính toán chênh lệch dòng tiền thu và chi phù hợp cho sản xuất kinh doanh, từ đó Vietinbank có quyết định phương án phong tỏa hoặc thu nợ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7119805981412430/?