Bích Ngọc ·
10 tuần trước
 9836

Vua Nệm làm ăn ra sao mà liên tục chậm đóng BHXH?

Nhìn vào báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, tính tới ngày 31/5/2024, CTCP Vua Nệm đã chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho nhân viên với số tiền tổng cộng lên tới hơn 3,5 tỷ đồng trong suốt 4 tháng.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này bị nêu tên vì chậm đóng bảo hiểm. 

Trước đó, tính tới ngày 28/2/2024, Vua Nệm cũng đã bị liệt kê trong danh sách chậm đóng bảo hiểm, tổng số tiền nợ là hơn 2,1 tỷ đồng trong 2 tháng. Trong 3 tháng tiếp theo, doanh nghiệp chỉ hoàn thành việc đóng bảo hiểm cho 1 tháng và vẫn còn nợ 2 tháng.

Ngoài việc nợ bảo hiểm, tháng 7/2023 doanh nghiệp này bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước phạt số tiền 55 triệu đồng do hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn và vi phạm hành chính nhiều lần.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Năm 2023, doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế âm 78 tỷ đồng, được biết năm 2022 cũng ghi nhận thua lỗ với con số âm gần 54,5 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty vào cuối năm 2023 là gần 307,6 tỷ đồng (giảm 29% so với năm trước). Cùng với đó, vốn chủ sở hữu giảm mạnh gần 74% (chỉ còn hơn 27 tỷ đồng).

Dù làm ăn thua lỗ là thế, tháng 6/2022 đã Vua Nệm phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng có với lãi suất 12,5%/năm và đáo hạn vào ngày 26/5/2024. Trong quá trình thực hiện, công ty này đã mua lại trước hạn nhiều lần, tổng cộng đến ngày đáo hạn đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu.

Theo tìm hiểu, Vua Nệm được thành lập năm 2017, có địa chỉ tại tầng 7, toà nhà Nhật An, 30D phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ 279,8 tỷ đồng tính đến tháng 12/2021. Tháng 10/2017, Mekong Capital đầu tư 100 tỷ đồng vào Vua Nệm. Từ 32 cửa hàng vào cuối năm 2017, vào cuối 2018 Vua Nệm nâng tổng số cửa hàng lên 65 cửa hàng.

Hiện nay, Vua Nệm đang sở hữu hơn 130 cửa hàng trên toàn quốc, phân phối nhiều thương hiệu nệm trong và ngoài nước. Đại diện pháp luật hiện tại của công ty là ông Hoàng Tuấn Anh.

Tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn còn nhiều

Được biết, mặc dù đã ban hành nhiều chế tài thế nhưng việc xử lý tình trạng nợ BHXH vẫn chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với việc xử lý tài sản và công nợ của những doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn. Nhiều doanh nghiệp vẫn trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn nghĩa vụ đóng BHXH. Hậu quả là người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống.

Hiện nay, việc nợ đóng BHXH đang là vấn đề nhức nhối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Việc giải quyết triệt để các khoản nợ BHXH là cần thiết. Cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH.

Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, người lao động hàng tháng vẫn đóng BHXH, khi nợ BHXH thì người lao động đã khó khăn, nên không thể dồn thêm gánh nặng cho họ. Cần có quyết định sớm về việc này.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn hành vi nợ - trốn đóng BHXH chẳng hạn như đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với chủ DN trốn đóng bảo hiểm từ 12 tháng trở lên; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Tòa án…

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định cần có cơ chế khẩn cấp phong tỏa tài sản kịp thời để xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm, có dấu hiệu bỏ trốn nhưng cũng cần có cơ chế giãn đóng với các doanh nghiệp thực sự khó khăn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8011468405579512