Bích Ngọc ·
42 tuần trước
 9963

Xử lý nợ xấu vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn

Trong Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, các TCTD cũng không có đặc quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Chính vì thế, các TCTD trước khi cho vay cần hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện vì cần xác định rằng việc thu nợ là nhiệm vụ của mình.

Rủi ro nợ xấu vẫn trực chờ

Mặc dù so với năm 2023 kinh tế nước ta đang có tín hiệu khởi sắc và được dự báo tích cực hơn, nhưng theo đánh giá của các chuyên, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% là không dễ. 

Là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên khi kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc Việt Nam chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó hoạt động ngân hàng lại phụ thuộc nhiều vào diễn biến nền kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn một mặt sẽ gây khó cho tăng trưởng tín dụng, mặt khác lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Cần lưu ý, đa phần tài sản đảm bảo (TSĐB) của các khoản nợ xấu là bất động sản. Chính vì thế, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các TCTD cũng khó kiếm được người mua nợ phù hợp. Bên cạnh đó, theo các ngân hàng chia sẻ, chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào 30/06/2024 cũng sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp.

Trước dự báo năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến khó lường, rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn trực chờ, tại Chỉ thị số 01/2024/CT-NHNN, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đây là nhiệm vụ được đánh giá tương đối khó khăn đối với các ngân hàng trong bối cảnh sức khoẻ của doanh nghiệp còn yếu. Tuy nhiên, dù có khó, các ngân hàng khẳng định kiểm soát tốt nợ xấu là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng trong năm 2024.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, đa phần nguyên nhân là do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài đại dịch Covid-19. Thêm vào đó các cuộc xung đột Nga-Ukraine, khu vực Trung Đông... đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ. Qua đó có thể thấy nợ xấu không chỉ là vấn đề riêng ngành Ngân hàng mà còn là vấn đề của cả nền kinh tế.

Sẽ khó khăn hơn trong việc xử lý nợ xấu

Có thể nói, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các TCTD là vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực sẽ gây khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ và TSBĐ. Tuy vậy, các TCTD vẫn cần tuân thủ, thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đúng với các quy định của pháp luật và Luật Dân sự. 

Điều TS. Nguyễn Quốc Hùng lo lắng khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực là vấn đề về ý thức trả nợ, tâm lý chây ỳ không trả nợ vì không có giải pháp, quy định pháp luật nào để thu hồi và xử lý nợ xấu. Khi đó sẽ lại xuất hiện tình trạng “con nợ” cố tình không trả nợ, không tự nguyện bàn giao tài sản, tạo ra những trường hợp tranh chấp giả tạo dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các TCTD.

Bên cạnh đó, theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được đấu giá TSĐB của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các TCTD bao gồm khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường và mua bằng trái phiếu đặc biệt, dẫn tới hạn chế đối tượng đấu giá, phạm vi hoạt động đấu giá của VAMC.

Trên thực tế, các TCTD cũng đang rất lo lắng vì trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ. Thế nhưng hiện tại chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Trường hợp người dân chây ỳ không trả nợ, các TCTD không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian (thậm chí kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ).

Trong Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, các TCTD cũng không có đặc quyền thu giữ TSBĐ. Chính vì thế, ông Hùng cho rằng, trước khi cho vay cần hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện cho vay bởi vì các TCTD cần xác định việc thu nợ là nhiệm vụ của mình. TSBĐ cần được thẩm định, xác minh, đánh giá giá trị, nguồn gốc tài sản và theo sát từng thời điểm để có thể nắm bắt diễn biến của TSBĐ. 

Về lâu dài, theo đề xuất của các chuyên gia, cần có hành lang pháp lý mới, đồng bộ hơn để giải quyết bài toán “cục máu đông” nợ xấu. Trong đó, cần sửa đổi Luật Dân sự để phù hợp hơn với thực tiễn, có quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng trả nợ nhưng lại chây ỳ không trả nợ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7357917644267928/?