Thành Phong ·
1 năm trước
 8921

"Điểm mặt" loạt dự án, doanh nghiệp nghìn tỉ thua lỗ

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có phương án xử lý dứt điểm một số dự án, doanh nghiệp thua lỗ trong tháng 5/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong những dự án Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5 này. (Ảnh: NAM TRẦN)

Xử lý dứt điểm tồn đọng

Các dự án được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5, gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp", Chỉ thị 12 nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý dứt điểm tồn đọng kéo dài nhiều năm tại Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất trong tháng này.

Đây đều là những dự án ngàn tỉ, doanh nghiệp do 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đầu tư thua lỗ trong những năm qua.

Hiện 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 60% vốn và tài sản của tất cả doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.

Dự án nghìn tỉ thua lỗ, “đắp chiếu” nhiều năm

Hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). Đây là dự án tồn đọng, kéo dài hơn 16 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỉ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỉ đồng, dự án do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

Theo báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói). Đến thời điểm 31/3/2023, tổng giá trị đầu tư của Dự án Tisco 2 đã thực hiện là 6.348 tỉ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.135 tỉ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong quý 1 là chi phí lãi vay vốn hóa.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với phía MCC do ông Vương Diễm Bưu làm Trưởng đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án Tisco 2.

Hiện tại, MCC đã hoàn thành Báo cáo sơ bộ đánh giá thiết bị, công trình và lập phương án mua sắm, sửa chữa thiết bị công trình, phương án khôi phục dự án Tisco 2. Bên cạnh đó, đoàn công tác của MCC cũng đưa ra những phương án đề xuất sửa chữa máy móc, thiết bị công trình tại dự án này.

Với Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,6 tỉ đồng, hiện đã dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết phía Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM.

Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc. Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Tuy nhiên, đến nay đề án tái cơ cấu VTM vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau và vướng mắc với phía Trung Quốc.

Cụ thể, phía VNSteel đề xuất phương án khai thác từ 800.000-1 triệu tấn/năm để phù hợp với sản lượng luyện kim của Nhà máy này. Tuy nhiên, Công ty khoáng sản Lào Cai và phía đối tác Trung Quốc đề nghị khai thác với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn phục vụ sản xuất của nhà máy, 2 triệu tấn tiêu thụ trên thị trường trong nước.

Bày tỏ không hài lòng với việc xử lý dự án, Chính phủ yêu cầu các bên liên quan cần sớm bàn bạc để thống nhất trình phương án cơ cấu lại dự án VTM. Theo đó, nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, đã tái cơ cấu DQS sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ngày 30/6/2010.

Theo đó, để duy trì và tiếp tục hoạt động, DQS đã giảm nguồn nhân sự từ 2.000 lao động xuống còn 600 lao động. Từ năm 2010 đến nay, DQS đã cải hoán, đóng mới và sửa chữa hàng loạt tàu thuyền trong và ngoài nước. Cụ thể, DQS đã có 182 dự án, gồm 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài, đặc biệt có các dự án đấu thầu ở nước ngoài mang về cả triệu USD.

Tổng doanh thu từ các dự án nói trên là 8.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân hiện tại của lao động tại đây là 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo DQS, đơn vị đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng, nhưng là do giai đoạn hoạt động trước năm 2010 để lại.

PVN đã tính toán chuyển đổi định giá DQS bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, tiếp tục tái cơ cấu DQS, trong đó có thể thành lập đơn vị mới với những tài sản, nhân lực của DQS, đồng thời thanh lý các tồn tại kéo dài nhiều năm nay.

Trước những vướng mắc trên, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng trước ngày 15/5 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của ủy ban theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1200 ngày 14/4 của Văn phòng Chính phủ.

Phát triển tập đoàn kinh tế mở đường, dẫn dắt ngành, lĩnh vực

Ngoài ra, trước ngày 30/5/2023, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải hoàn thiện 3 nội dung công việc sau để báo cáo Chính phủ.

Một là, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Hai là, hoàn thiện chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022 - 2025 của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Ba là, tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, tổng hợp, hoàn thiện, hoàn thành phê duyệt hoặc trình Thủ tướng đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc theo quy định tại quyết định 360 ngày 17/3/2022 của Thủ tướng, nhất là đề án cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và đề án cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong chỉ thị 12 vừa ban hành, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, nhằm thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước, báo cáo Thủ tướng trong quý 4 năm nay.

Tạ Nhị