Cuộc khủng hoảng năng lượng "bao trùm" nhiều quốc gia
Xung đột và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung cấp dầu khí vốn đã căng thẳng do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.
Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút lui khỏi Nga và xóa sạch tài sản trị giá hàng chục tỷ đô la. Các quốc gia châu Âu thì tranh giành để đảm bảo rằng họ có đủ nhiên liệu cho mùa đông lạnh giá.
Tương tự, giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu gần 140 USD/thùng, gần mức cao kỷ lục và thúc đẩy vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.
Cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đua nhau tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Các chính phủ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng mặt trời và gió, bên cạnh nguồn nhiên liệu bẩn hơn là than. Các mục tiêu về biến đổi khí hậu lúc trước đã bị trì hoãn.
Năm 2022, giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Chính phủ đã chi hàng tỷ đô la để hỗ trợ các công ty điện lớn như Uniper của Đức. Nam Phi trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất trong lịch sử. Sri Lanka cũng đối mặt với tình trạng cạn kiệt nhiên liệu do thiếu nguồn tiền dự trữ.
Xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nước châu Âu phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với cả Nga và Ukraine, vì từ lâu hai quốc gia này đã là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của lục địa già.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết, giá dầu đã tăng lên mức trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2022, giá khí đốt và than đá cao khiến giá điện tăng trên toàn thế giới.
Năm khởi đầu cho sự thay đổi
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu (một phần do xung đột Nga-Ukraine) cùng với các mối đe dọa về biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh các chính sách năng lượng sạch và các khoản đầu tư lớn cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Việc đột ngột giảm khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng là những lý do thúc đẩy xu hướng năng lượng sạch. Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh là một ví dụ điển hình.
Theo bà Lauri Myllyvirta, trưởng bộ phận phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho rằng, hệ lụy của xung đột Nga-Ukraine đối với lĩnh vực năng lượng cho thấy, năng lượng sạch là một giải pháp.
Renew Power, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ, sẽ nằm trong số các tập đoàn lớn, nhỏ hy vọng nhận được một phần trong khoản quỹ 2,6 tỷ USD của chính phủ Ấn Độ nhằm khuyến khích chế tạo nội địa các bộ phận cần thiết để sản xuất năng lượng mặt trời. Đây là động lực lớn nhất từng thấy trong lịch sử ngành năng lượng Ấn Độ.
Giám đốc điều hành Renew Power, ông Sumant Sinha cho biết, quỹ dành cho năng lượng sạch của chính phủ Ấn Độ mang đến “một tín hiệu mạnh mẽ” rằng, nước này muốn “trở thành địa điểm sản xuất của các thiết bị năng lượng tái tạo”.
Renew Power có hơn 100 dự án năng lượng sạch trên khắp Ấn Độ và đã trở thành công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió lớn thứ 10 thế giới chỉ trong vòng hơn 10 năm.
Không chỉ Ấn Độ, hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng “bật đèn xanh” cho chính sách năng lượng tái tạo trong năm qua nhằm mục đích mở rộng quy mô năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ như thu giữ carbon, carbon dioxide - nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu - và lưu trữ nó trong lòng đất.
Mỹ đã ban hành Luật giảm lạm phát – luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước này. Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch REPower EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trung Quốc cũng công bố các kế hoạch nhằm đặt được mục tiêu năng lượng sạch 5 năm trước thời hạn đề ra vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ hiện nay là duy trì đà phát triển tích cực này trong năm 2023, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng lưới điện và giải quyết các vấn đề đang làm chậm quá trình phân phối và truyền tải năng lượng sạch.
“Từ góc độ năng lượng, năm 2022 sẽ là một năm bản lề. Lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sau 200 năm tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2019 và hiện đang đi ngang trước khi suy giảm”, ông Kingsmill Bond, chiến lược gia năng lượng tại Viện Rocky Mountain (RMI), một nhóm phi lợi nhuận về năng lượng sạch, cho biết.
Theo nghiên cứu của RMI, nhu cầu năng lượng sạch toàn cầu đã tăng thêm khoảng 6 Exajoules (hơn 1.600 tỷ kWh) vào năm 2022 – đủ năng lượng cho khoảng 6 triệu chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng hàng năm do việc sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Bond cho biết thêm, giá năng lượng sạch ngày càng gần với giá của nhiên liệu hóa thạch và trong một số trường hợp thậm chí còn rẻ hơn.