Bích Ngọc ·
30 tuần trước
 9072

50 doanh nghiệp đàm phán dời ngày đáo hạn cho trái phiếu

Theo VNDirect, trong quý 3 năm 2023 hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động.

Tính tới ngày 3/10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ, đồng thời đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.

VNDirect cho hay, việc thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó dẫn đến các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian (thay vì mua lại trái phiếu đến hạn). Chỉ tính riêng tháng 9, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê các doanh nghiệp chỉ mua lại hơn 9.200 tỷ đồng trái phiếu, con số này chưa bằng một phần tư so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Đây cũng là con số nằm trong nhóm thấp nhất kể từ năm 2022 và giảm một nửa so với cùng kỳ.

Đa phần, điều chỉnh ngày đáo hạn sẽ thêm hai năm, dời áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025-2026. Nới kỳ hạn trái phiếu trở thành động thái chung của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua, nhất là nhóm bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

VNDirect cũng cho hay, trong quý 3 năm nay có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công. Tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý 2 năm 2023 và tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng (chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành). Và 8 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 11.447 tỷ đồng (chiếm 11,4% tổng giá trị phát hành).

Thời gian tới, các bên quan sát thị trường đều cho rằng áp lực trả nợ trái phiếu vẫn rất lớn với doanh nghiệp. Theo ước tính của VNDirect, trong quý 4 sẽ có khoảng gần 53.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Nhóm bất động sản có tỷ trọng lớn nhất (chiếm 44%) và đứng thứ hai là nhóm tài chính - ngân hàng (với tỷ lệ gần 40%).

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đưa ra con số 65.500 tỷ đồng nếu không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn. Gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Do đó, HoREA đánh giá quý cuối năm mới là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu.

Cuối năm nay Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực. Chính vì thế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới nếu không có quy định mới nào khác cho phép kéo dài các quy định tại các văn bản pháp lý nói trên.

Thông tư 03 có hiệu lực chỉ kéo dài đến hết năm nay, vì vậy đây chỉ là giải pháp tạm thời, ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN. Điều này cũng vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi nhà băng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp. Vì nếu ngân hàng sở hữu trái phiếu, điều đó sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn và làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, tuy vậy trong dài hạn sẽ giúp thị trường bình ổn.

Tại báo cáo cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, SSI Research cho hay, Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên tới hai năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. 

SSI Research nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ các động thái từ Chính phủ thế nhưng những giải pháp hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, sẽ khó có thể ngay lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6948220915237605/?