Bích Ngọc ·
1 năm trước
 11827

Áp lực đáo hạn căng thẳng nhất sẽ rơi vào quý 3, số tiền trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán cho trái chủ là bao nhiêu?

Số liệu mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Công ty chứng khoán KBSV cho thấy áp lực đáo hạn căng thẳng nhất sẽ rơi vào quý 3 năm nay.

Theo ước tính, số trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán cả gốc lẫn lãi cho trái chủ là gần 91.800 tỷ đồng.

Thống kê từ KBSV cho thấy, từ đầu năm đến ngày 14/6 ước tính tổng giá trị trái TPDN bị chậm trả gốc, lãi là vào khoảng 61.000 tỷ đồng (chiếm 5,7% giá trị TPDN đang lưu hành). Trong đó có 9.300 tỷ đồng TPDN đã đáo hạn không trả được gốc, số còn lại là 51.800 tỉ đồng TPDN chưa đến hạn nhưng chậm thanh toán tiền lãi.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Từ tháng 3 đến nay, lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến và hiện vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Về cơ cấu các ngành, chiếm tỉ trọng lớn nhất là bất động sản với 71% tổng giá trị trái TPDN chậm trả nợ (ghi nhận mức 42.400 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhóm tài chính (bao gồm các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán) lại không ghi nhận lô trái phiếu nào chậm trả.

Theo dự tính vào nửa cuối năm 2023 sẽ có khoảng 150.600 tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91.800 tỷ đồng, so với quý liền trước tăng 26%. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.600 tỷ vào tháng cuối năm nay. Chiếm tỷ trọng lớn nhất tiếp tục là nhóm bất động sản, đạt 63.300 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.

Tổng hợp thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), KBSV ước tính trong nửa cuối năm 2023 có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu đáo hạn trên 3.000 tỷ.

Theo KBSV, trong giai đoạn này rủi ro vỡ nợ do trái TPDN là rất căng thẳng. Trong đó, dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn là Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát với gần 15.000 tỷ đồng. Do đây là những lô trái phiếu liên quan đến vi phạm đã bị phát hiện vào năm ngoái của ban lãnh đạo công ty vì thế rủi ro được đánh giá là rất cao.

Nằm trong danh sách cũng có các tổ chức phát hành khác bao gồm: Tập đoàn Novaland (9.200 tỷ đồng), CTCP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (3.700 tỷ đồng) và CTCP Hưng Thịnh Land (3.600 tỷ đồng) thời gian qua cũng liên tục thông báo về tình trạng chậm thanh toán cả gốc lẫn lãi trái phiếu.

Các thông tin công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thông báo chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán".

Theo nhận định đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings thì những doanh nghiệp bất động sản vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu có điểm chung là sử dụng đòn bẩy tương đối cao, có kết quả kinh doanh giảm mạnh, mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn mặc dù lợi nhuận vẫn tốt.

Vào ngày 17/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký và giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước, có hiệu lực bắt đầu từ 1/7/2023.

Theo đó, quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp, cùng với đó tăng tính minh bạch và chuẩn hóa của thị trường này.

Ngoài ra, tổng hợp ý kiến của các thành viên VBMA, quy định thời hạn 3 tháng tính từ 16/6/2023 để hoàn thành thủ tục đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn dư nợ được phát hành theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP là một trong những điểm quan ngại của thành viên thị trường, cần các hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để đảm bảo thực hiện quy định trong thực tế.

Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6596358013757232/?