Bích Ngọc ·
48 tuần trước
 9349

Đáo hạn trái phiếu không trả được, một doanh nghiệp gia hạn thêm 18 tháng và nâng lãi suất cho lô trái phiếu mệnh giá 120 tỷ đồng

Mới đây, Công ty cổ phần Công nghệ Khải An đã thông qua kế hoạch điều chỉnh tình hình trả gốc và lãi trái phiếu phát hành.

Theo đó, Công ty cổ phần Công nghệ Khải An cho hay, ngày thanh toán lãi và gốc của trái phiếu mã NAKCH2123001 (lãi suất 11,5%/năm) là ngày 6/5/2023. Tuy vậy, Công ty đã thực hiện điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong đó, phương án trả lãi 3,34 tỷ đồng, doanh nghiệp này sẽ dự kiến chia làm hai đợt, đợt 1 sẽ thực hiện trả 50% vào ngày 31/5/2023; và 50% còn lại đợt 2 sẽ thanh toán chậm nhất trước ngày 30/6/2023.

Còn về phương án trả gốc, Doanh nghiệp chia làm 4 đợt. Trong đó, thanh toán 10% vào đợt 1 chậm nhất vào ngày 30/9/2023, tương đương 12 tỷ đồng; thanh toán 20% vào đợt 2 chậm nhất vào ngày 28/2/2024, tương đương 24 tỷ đồng; thanh toán 30% vào đợt 3 chậm nhất vào ngày 30/8/2024, tương đương 36 tỷ đồng; và thanh toán 40% vào đợt 4 chậm nhất vào ngày 30/10/2024, tương đương 48 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Công nghệ Khải An còn điều chỉnh lãi suất trái phiếu (từ 11,5%/năm lên 13,5%/năm) khi gia hạn thêm tối đa 18 tháng cho trái phiếu đến hạn vào ngày 6/5/2023.

Được biết, trái phiếu mã NAKCH2123001 được phát hành vào ngày 6/11/2021, thời gian đáo hạn ngày 6/5/2023 có mệnh giá 120 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Công nghệ Khải An có hoạt động chính là tư vấn về môi trường, vốn điều lệ 106 tỷ đồng và người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thy Mai. Công ty có địa chỉ tại phòng 702A tầng 7, tòa nhà Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thy Mai cũng đang là đại diện pháp luật của CTCP Xây dựng và SX Thiết bị Thống Nhất.

Vào năm 2023-2024 có lẽ được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa thị trường TPDN năm 2023 sẽ còn tiếp tục khó khăn. 

Các doanh nghiệp sẽ "xoay vốn" thế nào khi bài toán đáo hạn trái phiếu đang hiện hữu trước mắt?

Sau vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát vào năm 2022, đến thời điểm hiện tại những “tổn thương” tâm lý của nhà đầu tư đối với kênh trái phiếu vẫn chưa thể xóa bỏ. Cùng với đó, trái phiếu trở thành kênh đầu tư kém hấp dẫn khi các chính sách điều chỉnh tăng lãi suất ngân hàng để kiềm chế lạm phát.

Đối với thị trường trái phiếu, nhận định giải pháp lòng tin là chìa khóa quan trọng, cơ quan quản lý cùng các tổ chức phát hành thời gian qua đã nỗ lực tìm các giải pháp để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài việc xem xét nới lỏng điều kiện cho phép các định chế tài chính lớn bao gồm việc các nhà băng có thể tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò tạo thanh khoản trên thị trường, những chính sách về điều kiện thanh toán cũng được cởi trói.

Trong đó, nếu đạt được thỏa thuận với trái chủ, các doanh nghiệp được phép lùi hạn thanh toán và “đổi” trái phiếu bằng những loại tài sản khác. Chẳng hạn như Novaland (NVL), trong năm 2023 đây là doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất với 14.476 tỷ đồng đã bước đầu đạt được những thỏa thuận liên quan đến trái phiếu (lô trái phiếu NVLH2123010 có số dư còn lại 864 tỷ đồng đã đạt thỏa thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 3 tháng đến ngày 19/6/2023)...

Bên cạnh đó, mới đây không ít doanh nghiệp cũng thông báo đàm phán thành công để gia hạn cho các lô trái phiếu sắp tới hạn. Theo chuyên gia phân tích VNDIRECT, trong nửa đầu năm 2023 thị trường TPDN sẽ tương đối im lìm. Trong nửa cuối năm 2023 khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Tạ Ngọc