Thanh Tâm ·
1 năm trước
 9432

Bình Phước: Ô nhiễm rác thải bủa vây nhà máy xử lý rác Đồng Xoài

Toàn tỉnh Bình Phước hiện chỉ có Nhà máy xử lý rác Đồng Xoài, tuy nhiên, nhà máy này đang trong tình trạng quá tải vì công nghệ xuống cấp, lượng rác nhiều gây ô nhiễm môi trường quanh nhà máy đang khiến nhiều người dân bức xúc.

Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát sinh khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt, được thu gom bởi các đội quản lý công trình đô thị. Toàn tỉnh hiện có Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đồng Xoài, thuộc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước xử lý rác khu vực Đồng Xoài và vùng lân cận.

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Đồng Xoài, Bình Phước. (Theo Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị).

Được biết, nhà máy xử lý rác sinh hoạt Đồng Xoài có chức năng xử lý rác thải sinh hoạt của TP.Đồng Xoài. Trung bình mỗi ngày nhà máy tiếp nhận hàng chục tấn rác thải và rác được xử lý chủ yếu bằng cách đốt.

Nhà máy đặt tại xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài nên các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh, người dân thuộc xã Tiến Hưng quanh nhà máy phải gánh chịu. Ảnh hưởng bởi khói thải, mùi hôi, nguồn nước đã được người dân phản ảnh nhiều năm nay nhưng đâu vẫn vào đấy. Thậm chí tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đồng Xoài nằm ở vị trí cao nên nước rỉ rác đã thấm qua chân tường này và chảy tràn ra vườn cao su của người dân. Hoạt động nhiều năm nay, lượng chất thải trong lượng rác thải tập kết trong nhà máy giờ chất cao như núi.

Hàng ngày, lò đốt rác vẫn hoạt động và thải khỏi mịt mù. Mỗi lần đốt lượng khói rất lớn, khét lẹt và hôi đặc trưng của rác cháy. Cả chục hecta cây cao su xung quanh nhà máy bị phủ dày khói, lơ lửng suốt ngày đêm.

Bình Phước: Ô nhiễm rác thải bủa vây nhà máy xử lý rác Đồng Xoài - Ảnh 2

Một đoạn tường bị hỏng khiến nước rỉ rác chảy trực tiếp từ nhà máy ra ngoài. (Ảnh: Môi trường và Đô thị).

Theo nhiều người dân phản ánh, ngày này qua tháng khác, bức tường dài cả trăm mét đã nhuốm màu đen như dầu nhớt. Nước rỉ rác đen quánh và hôi nồng nặc đã chảy tràn và phủ kín cả ngàn mét vuông đất trồng của người dân như thế này. Cây cỏ khô héo, không thể sống được với loại nước thải này. 

Bà Lê Thị Mỹ - Ấp 1, xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài, Bình Phước cho biết: “Nước đen là do người ta đổ nước phế thải đó, cũng bệnh này bệnh kia. Rồi dơ dáy ảnh hưởng tới đường nước, nhà thì mùi khói mù mịt không thấy đường luôn. Thưa lên trên xã biết bao nhiêu cái đơn rồi mà vẫn thấy êm ru, không thấy ai trả lời gì hết”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phúc - Ấp 1, xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài, Bình Phước bức xúc: “Khó chịu lắm, khói nó bay lên rồi tràn xuống, tôi cạo mủ cao su, sang ra khi thu hoạch thì rất nhiều những hột đen đen phủ đầy mặt chén mủ”.

Trả lời Báo Bình Phước, ông Võ Văn Dinh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh hiện có Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đồng Xoài xử lý rác khu vực Đồng Xoài và vùng lân cận.

Đối với các huyện, thị xã còn lại thì rác thải được tập kết tại bãi rác tập trung của địa phương. Phần lớn các điểm tập kết rác thải sinh hoạt này chưa được bố trí hợp lý đã làm phát sinh mùi hôi thối khó chịu.

Trong khi đó, việc xử lý rác thải tập trung chủ yếu đốt và chôn lấp dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Theo ghi nhận ngay sát Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đồng Xoài, TP.Đồng Xoài cho cắm 1 tấm biển điểm tập kết rác, vị trí đổ rác thải rắn được chỉ dẫn là cách 600m nhưng ngay dưới chân là cả 1 đống rác lớn.

Điều đáng nói, vị trí này nằm sát ngay hành lang đường dây điện 500KV. Với cách đổ rồi đốt, không ai dám chắc nguy cơ cháy sẽ gây hậu quả thế nào khi việc đốt rác không được kiểm soát.

Bình Phước: Ô nhiễm rác thải bủa vây nhà máy xử lý rác Đồng Xoài - Ảnh 3

Tấm biển tập kết rác được cắm ngay hành lang đường dây điện 500KV. (Ảnh: Môi trường và Đô thị).

Vào năm 2020, Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Đồng Xoài này đã từng xảy ra cháy và phải mất nhiều giờ đồng hồ lực lượng cứu hỏa mới khống chế và dập tắt đám cháy.

Thông tin về việc khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các nhà máy xử lý rác, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, khi đã xảy ra tình trạng ô nhiễm, các nhà máy xử lý rác không để phát sinh thêm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực. Đồng thời, tiến hành quan trắc môi trường xung quanh bãi rác để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm.

Bởi việc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đền sức khỏe, đời sống của người dân. Về lâu dài sẽ dẫn tới sự phản ứng gay gắt, phẫn nộ và thậm chí là khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến vấn đề xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng địa phương cần xem xét, thanh tra, kiểm tra lại về hoạt động, quy hoạch và quá trình đầu tư tại nhà máy xử lý rác. Trong trường hợp có vi phạm trong quá trình đầu tư, vận hành nhà máy cần phải xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai phạm.