Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5859

Thế giới nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa

Ô nhiễm từ rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương ngày càng trở nên đáng lo ngại, trong khi sản xuất các sản phẩm nhựa vẫn tiếp tục gia tăng.

Mới đây, Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris của Pháp.

Sự kiện là sáng kiến của nước chủ nhà Pháp được tổ chức trước thềm phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa (CIN-2).

Được biết, phiên đàm phán lần thứ 2 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ chính thức diễn ra từ 29/5-1/6.

Theo đó, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và sử dụng một cách bền vững các sản phẩm nhựa để tiến tới kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này, cũng như việc quản lý hợp lý chất thải nhựa và hạn chế việc vứt rác thải nhựa ra môi trường.

Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải CO2, mà còn đe dọa đa dạng sinh học, đặc biệt là sinh tồn của các loài sinh vật biển.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái và kết nối lãnh thổ Pháp, ông Christophe Béchu, nhấn mạnh tình trạng đáng lo ngại của ô nhiễm từ rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương, trong khi sản xuất các sản phẩm nhựa vẫn tiếp tục gia tăng.

Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải CO2, mà còn đe dọa đa dạng sinh học, đặc biệt là sinh tồn của các loài sinh vật biển.

Giám đốc Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, bà Inger Andersen nhấn mạnh việc cần thiết đạt tới Thỏa thuận về chấm dứt ô nhiễm nhựa với tính ràng buộc về pháp lý.

Tại các phiên tọa đàm bàn tròn, các tham luận tập trung nêu quan ngại của xã hội đối với vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu và sự cần thiết phải có hành động thiết thực để chấm dứt tình trạng này, chia sẻ các sáng kiến quốc gia trong việc giảm rác thải nhựa.

Các đại biểu cũng đã trao đổi về các biện pháp để tiến tới sản xuất và tiêu thụ bền vững các sản phẩm nhựa, các nhu cầu cải thiện quy trình sản xuất sản phẩm nhựa, khuôn khổ luật pháp để cải thiện việc tái chế sản phẩm này, cơ sở hạ tầng phân loại chất thải nhựa để hạn chế rác thải dạng này ra môi trường, cũng như việc huy động các nguồn lực để quản lý rác thải nhựa…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng khẳng định mong muốn đạt được Thỏa thuận về chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

Tham dự Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật cũng như các chính sách thúc đẩy việc tái chế sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, cùng với các nước chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, việc các quốc gia cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa là vô cùng cấp thiết.

Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai. Tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm quản lý và nội dung chủ trì đàm phán về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải; tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; Quản lý, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương.

Ngoài ra, còn có Trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa (EPR); Nhãn sinh thái đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; Đặt cọc hoàn trả để tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Mô hình thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án và tiến hành đàm phán.

Để chuẩn bị cho việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Thứ trưởng yêu cầu phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán. Chủ trương và nội dung tham gia đàm phán phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Sau khi thống nhất nội dung đàm phán, Việt Nam cần tính đến việc nội luật hóa các quy định trong Thỏa thuận – đây là những nội dung sẽ tác động không nhỏ đến ngành nhựa và ý thức, hành vi tiêu dùng của người dân.

Lượng nhựa sản xuất hằng năm trên thế giới đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2019, thế giới sản xuất tổng cộng 460 triệu tấn nhựa và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu cộng đồng quốc tế không hành động.

Trong khi đó, khoảng 70% số sản phẩm nhựa bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng 1 hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế.