Thành Vũ ·
43 tuần trước
 9015

Bộ GTVT nói gì về tận thu cát sỏi khi nạo vét luồng?

Những năm gần đây, vấn nạn “cát tặc,” khai thác cát trá hình dưới hình thức “nạo vét” đã diễn ra nóng bỏng trên nhiều dòng sông, nhưng chưa được chấn chỉnh một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phải trực tiếp yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải dừng toàn bộ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, đồng thời không cấp phép mới cho các dự án nạo vét lòng sông. Nhưng các dòng sông chỉ tạm yên bình trong một thời gian ngắn.

Hoạt động “nạo vét sông” mà thực chất là khai thác cát trá hình lại tiếp tục diễn ra với quy mô còn rầm rộ hơn trước. Kể từ khi quyền cấp phép nạo vét lòng sông được chuyển xuống cấp tỉnh, "phong trào ăn cắp cát” ngày càng diễn ra công khai. Cát từ lòng sông bị khai thác không giới hạn, một nguồn lượng lớn tài nguyên quốc gia cứ thế “chảy” vào túi cá nhân, doanh nghiệp...

Ảnh minh họa

Mới đây, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh, theo Điều 33 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ, việc lựa chọn nhà đầu tư phải được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 31, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, quy định phải tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước đường thủy nội địa.

Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có hướng dẫn cụ thể về khối lượng nạo vét được tận thu sẽ do Nhà đầu tư (đơn vị trúng thầu thực hiện công tác nạo vét) chủ động thực hiện bán sản phẩm tận thu theo hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư hay phải tiếp tục đấu giá sản phẩm nạo vét nêu trên.

Đồng thời sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa để thay thế Nghị định số 159 nhằm đảm bảo cho các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã có Tờ trình 13196/TTr-BGTVT ngày 20/11/2023, văn bản số 14269/BGTVT-KCHT ngày 12/12/2023 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ).

Theo đó, tại khoản 3 Điều 22 và khoản 1 Điều 32 dự thảo Nghị định đã quy định theo hướng: Không thực hiện bán đấu giá đối với phần chất nạo vét tận thu đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; dự án nạo vét vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng; Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ GTVT phối hợp với các Vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ trong quá trình xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị định.

Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo quy định.

Như vậy, khi Chính phủ thông qua và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018, một số tồn tại như ý kiến của cử tri sẽ được giải quyết và xử lý đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7312558112137215