Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7781

Bộ Tài chính cảnh báo những gì về rủi ro trái phiếu doanh nghiệp?

Mới đây, Bộ Tài chính lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cá nhân cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã cho thấy những rủi ro vẫn tiềm ẩn nếu như nhà đầu tư không có hiểu biết đầy đủ.

Theo quy định hiện tại của Nghị định 08, việc áp dụng chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp theo giá trị danh mục chứng khoán nắm giữ trong thời gian nhất định (như quy định tại Nghị định 65), được tạm ngưng đến hết 2023. Tuy nhiên thực tế Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhà đầu tư cần lưu ý phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và nhà đầu tư cần phải có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Đáng chú ý, Bộ cảnh báo đối với các dịch vụ tư vấn nhà đầu tư thận trọng, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng. Khi đầu tư trái phiếu cần đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu (trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu).

Có thể thấy, cảnh báo của Bộ Tài chính có 2 điểm rất cần được nhà đầu tư hiểu rõ:

Đầu tiên, với việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại nợ và đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu, quan điểm về việc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu riêng lẻ, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư đang được giới thiệu trái phiếu riêng lẻ từ tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn phân phối trái phiếu, phải cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện, tư cách trái chủ.

Trên thực tế, dù tạm ngưng quy định xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định 65 (danh mục đầu tư 2 tỷ, thời hạn 6 tháng), nhưng theo Điều 11 Luật Chứng khoán 2019, xác định: "Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán", cũng tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 11 xác định rất rõ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với các điều kiện như: "Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả". Có nghĩa là nhà đầu tư vẫn phải đáp ứng các điều kiện này nếu mua trái phiếu riêng lẻ từ các tổ chức phát hành.

Thứ hai, trong hoàn cảnh nhiều nhà đầu tư vẫn đang lo lắng về quyền lợi của trái chủ đã rót tiền qua các đợt phát hành, phân phối trong 2 năm trước, khẳng định của Bộ Tài chính đã cho thấy đơn vị tư vấn ( ở đây là các ngân hàng), không có trách nhiệm với rủi ro của nhà đầu tư.

Có thể nói, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì quan điểm xuyên suốt về việc tổ chức phát hành, doanh nghiệp là đơn vị huy động phải trách nhiệm đến cùng với nhà đầu tư. Với quyết định đầu tư của mình, phía nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm. Đơn vị phân phối trung gian (là các góc độ ở góc độ giới thiệu) sẽ không chịu trách nhiệm về đảm bảo quyền lợi trái chủ. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và những chính sách cụ thể trong các Nghị định về trái phiếu đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành (bao gồm Nghị định có tính “mở” và hỗ trợ cho thị trường trái phiếu gần nhất).

Điều đáng lưu ý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu rục rịch với các đợt phát hành mới thành công, việc phát hành vẫn tập trung ở những đơn vị có liên quan đến hệ sinh thái bất động sản. Đây là điểm tích cực cho thấy sự hồi sinh của thị trường trái phiếu, cũng là tín hiệu cảnh báo nguy cơ rủi ro với kịch bản rủi ro khi guồng huy động mới, đảo nợ cũ từ các doanh nghiệp công cụ của hệ sinh thái có thể tái lập. Bên cạnh đó, không loại trừ có hệ sinh thái có sự kết nối, mở rộng, tham gia của cả ngân hàng và công ty chứng khoán.

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, tổ chức phát hành chậm thanh toán trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng (trong quý I là 69 đơn vị, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản), điều này cho thấy tình hình tài chính của các tổ chức phát hành trong lĩnh vực này vẫn chưa thể lập tức cải thiện tích cực ngay, mặc dù trên thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã tích cực đàm phán với các trái chủ và tích cực tái cơ cấu tài chính.

Theo Facebook Tạ Ngọc/ DIỄN ĐÀN SỰ THẬT GROUP