Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7668

Khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu, Bảo hiểm Quân đội gặp rủi ro gì?

Ngoài tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu cũng được MIG đầu tư một phần lớn danh mục của mình. Điều này cũng khiến MIG gặp nhiều rủi ro về đầu tư và biến động về lợi nhuận hơn.

Được biết, VNDirect đã có báo cáo phân tích Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) với nhận định "Một lựa chọn tốt trong môi trường lãi suất cao".

Trong những năm gần đây, MIG đã mở rộng quy mô nhanh chóng và vươn lên top 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất theo phí bảo hiểm gốc vào năm 2021 (tiếp tục duy trì top 5 trong 2022).

Theo đó, trong giai đoạn năm 2015-2022, MIG đã đạt tốc độ tăng trưởng kép phí bảo hiểm gốc lên tới 20% (vượt xa mức trung bình 11% của ngành). Về cơ cấu sản phẩm, MIG có tỷ trọng lớn ở các dòng sản phẩm bảo hiểm cá nhân với 36% và 33% phí bảo hiểm gốc năm 2022 lần lượt đến từ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.

Tỷ suất sinh lời trên vốn ở trên mức trung bình

Trong 5 năm (2018-2022), MIG trên trung bình đạt 11,7% ROE (cao hơn mức trung vị của các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành khác là 10,1%).

Trong giai đoạn dịch COVID năm 2020-2021, MIG đã được hưởng lợi đáng kể nhờ có tỷ trọng doanh thu lớn ở vào mảng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. So với các dòng sản phẩm bảo hiểm thương mại và công nghiệp, tỷ lệ bồi thường ở 2 dòng sản phẩm này đã giảm đáng kể hơn. Ngoài ra, do tỷ lệ giữ lại của MIG trong doanh thu khai thác mới tương đối thấp vì vậy doanh nghiệp không thực sự nhận thêm quá nhiều rủi ro bảo hiểm.

Tuy vậy, năm 2022 lại là một năm khó khăn đối với MIG khi Việt Nam mở cửa trở lại tạo áp lực tăng lên tỷ lệ bồi thường, môi trường lãi suất thấp cùng với việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh đã khiến lợi suất đầu tư của MIG sụt giảm mạnh. Chính vì thế, ROE của MIG giảm xuống chỉ còn 8,6%  trong năm 2022.

Nguồn ảnh: Internet.

Về nguồn vốn, trong năm nay  MIG đang có kế hoạch tăng vốn 286 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho nhân viên (286 triệu cổ phiếu, chiếm 17,4% tổng số hiện tại). Đợt tăng vốn lần này có mục đích bao gồm: Cải thiện khả năng giữ lại, giúp gia tăng lợi nhuận,  đồng thời nâng cao năng lực đấu thầu, cùng với đó đảm bảo khả năng thanh toán lành mạnh và đầu tư vào công nghệ. Bộ Tài chính đã chấp thuận và dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch tăng vốn.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, tỷ lệ biên khả năng thanh toán của MIG hiện đạt mức tương đối tốt là 190% vào cuối năm 2022. Tuy vậy, theo VNDirect việc tăng vốn vẫn sẽ là một bước phát triển cần thiết và tích cực cho doanh nghiệp với hai mục tiêu chính là cải thiện khả năng đấu thầu và tăng tỷ lệ giữ lại, vốn rất quan trọng đối với các hợp đồng BH thương mại và công nghiệp.

Khả năng tận dụng lợi thế từ MBBank và Viettel

Cổ đông lớn nhất của MIG là Ngân hàng Quân đội (MBB) với tỷ lệ sở hữu 68,4%. Tính đến cuối 2022, MBB phục vụ gần 20 triệu khách hàng cá nhân. Tập khách hàng khổng lồ của ngân hàng mang lại cơ hội lớn để MIG bán chéo các sản phẩm của mình, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Doanh số banca qua MBB đạt 554 tỷ đồng (+37,5% svck) trong năm 2022 (chiếm 18% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc).

Ngoài ra, MBB cũng sở hữu công ty chứng khoán MBS, công ty quản lý quỹ MB Capital, công ty tài chính tiêu dùng MCredit và công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life.

Được biết, MIG và MBB là thành viên của hệ sinh thái lớn hơn liên quan đến Viettel và Bộ Quốc phòng. Trong đó, Viettel là một cổ đông lớn của MBB, hiện là tập đoàn viễn thông lớn nhất tại Việt Nam.

Nguồn ảnh: Internet.

Quy mô và tầm cỡ lớn của Viettel cũng đã tạo cơ hội cho MIG mở rộng tệp khách hàng và khả năng phân phối. MIG đã ký kết hợp đồng phân phối với Viettel Post (VTP) trong năm 2021, được biết VTP sẽ giúp phân phối sản phẩm của MIG qua 813 cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông, 30.000 điểm bán hàng và 1.000 bưu cục.

Theo đó, VNDirect cho rằng mối quan hệ chặt chẽ với MBB và Viettel đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của MIG.

Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn

Tương tự như các doanh nghiệp bảo hiểm khác, vào năm 2022 MIG có tỷ lệ kết hợp cao hơn khi tỷ lệ bồi thường tăng trở lại sau COVID như dự kiến.

Về triển vọng trong năm nay (năm 2023), thị trường phi nhân thọ vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt với khả năng tăng phí bảo hiểm hạn chế, lạm phát gia tăng hiện đang gây áp lực lên chi phí bồi thường. Ngoài ra, hoạt động yêu cầu bồi thường trong Q1/2022 vẫn hưởng lợi bởi đại dịch, chính vì thế đã tạo mức nền thấp khi so sánh năm 2023 với cùng kỳ.

Do đó, VNDirect cho rằng trong năm nay biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của cả ngành bảo hiểm phi nhân thọ (bao gồm MIG) vẫn sẽ chịu nhiều áp lực giảm.

Không chỉ gửi ngân hàng mà còn đầu tư trái phiếu và cổ phiếu: Rủi ro càng cao, lợi nhuận sẽ càng lớn?

Trong khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác lựa chọn đầu tư phần lớn danh mục vào tiền gửi ngân hàng (vốn mang tính an toàn cao) thì MIG áp dụng phương pháp đầu tư linh hoạt hơn. Ngoài tiền gửi ngân hàng, một phần lớn danh mục được MIG đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư với MBCapital (qua đó đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau bao gồm cổ phiếu).

Theo VNDirect, so với trung bình ngành chiến lược đầu tư linh hoạt này đã cho phép MIG đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn. Tuy vậy, điều này cũng khiến MIG gặp nhiều rủi ro hơn về đầu tư và biến động về lợi nhuận. Vì vậy, chiến lược này sẽ đòi hỏi khả năng quản lý danh mục cao từ ban lãnh đạo của MIG.

Theo đó, khi cả thị trường chứng khoán (TTCK) lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đều rất sôi động trong giai đoạn 2020-2021, MIG đã ghi nhận lợi suất đầu tư lên tới 7,6-7,7%. Tuy vậy, khi TTCK lao dốc và thị trường TPDN bị thắt chặt bởi các cơ quan quản lý trong năm 2022, lợi suất đầu tư của MIG đã sụt giảm xuống chỉ còn 4,9%.

Tính tới cuối năm 2022, danh mục đầu tư của MIG ghi nhận 58% nằm ở tiền gửi ngân hàng (thấp hơn so với hầu hết các DN niêm yết cùng ngành). 24% (tương đương với 860 tỷ đồng) được ủy thác đầu tư, trong đó VNDirect cho rằng 1 phần không nhỏ được đầu tư vào cổ phiếu. 14% danh mục là TPDN và các khoản đầu tư vào công ty chưa niêm yết là 4-5% còn lại.

VNDirect kỳ vọng trong năm 2023 lãi suất huy động cao hơn và TTCK hồi phục sẽ giúp MIG cải thiện tốt hiệu quả đầu tư. Đây có lẽ là động lực tích cực cho ngành bảo hiểm nói chung chung bởi phần lớn danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và TPDN với lãi suất thả nổi.

Về TTCK, năm 2022 là một năm thực sự khó khăn cho nhà đầu tư khi VN-INDEX đã giảm tới hơn 33%. Theo ước tính của VNDirect, sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu đã làm lợi suất từ khoản ủy thác đầu tư của MIG giảm từ 12-13% trong năm 2021 xuống chỉ còn 1-2% trong năm 2022. Tuy vậy, sang đến năm 2023, VNDirect đã có quan điểm lạc quan hơn về TTCK và kỳ vọng việc lợi nhuận tăng trưởng khoảng 15% và thị trường được định giá lại cao hơn sẽ đưa VN-Index tăng trở lại mốc 1.300-1.350 điểm. Nếu trường hợp này xảy ra, MIG sẽ được hưởng lợi rất lớn khi trong việc đầu tư vào TTCK doanh nghiệp này tương đối năng động.

Ban lãnh đạo lên kế hoạch tăng trưởng (đến năm 2026) đầy tham vọng, chưa sát thực tế

Trong báo cáo thường niên 2021, MIG đã đưa ra các mục tiêu kinh doanh với tầm nhìn đến năm 2026 khá tham vọng. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 MIG đặt ra mục tiêu tăng trưởng kép cho phí bảo hiểm gốc, lợi nhuận, và vốn chủ sở hữu lần lượt là 23%, 30% và 20%. Bên cạnh đó, MIG đặt mục tiêu năm 2026 sẽ lọt vào top 3 thị phần về doanh thu với ROE trên 20% và tỷ lệ kết hợp dưới 95%.

Theo VNDirect, MIG có các mục tiêu tài chính dài hạn đến năm 2026 chưa thực sự thực tế, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến khả năng sinh lời (ROE, tỷ lệ kết hợp). Ở quá khứ, khó có thể tìm thấy một doanh nghiệp bảo hiểm nào đã có thể cùng lúc giành được nhiều thị phần và cải thiện khả năng sinh lời (đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe).

Nguồn ảnh: Internet.

Vào năm 2026, kênh banca với mục tiêu dự kiến sẽ chiếm hơn 34% tổng doanh số bán hàng là một kênh bán hàng tốn kém do ngân hàng là bên có nhiều quyền thương lượng hơn bởi họ sở hữu quyền tiếp cận khách hàng. Các kênh số có thể giúp MIG tiếp cận khách hàng với chi phí thấp hơn thế nhưng vẫn chỉ là trên lý thuyết và chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào thực sự thành công với kênh này. VNDirect cho rằng, sẽ khó để MIG qua hai kênh phân phối này có thể tăng trưởng mạnh doanh thu với biên lợi nhuận hấp dẫn.

Tuy quan ngại về tính khả thi của các mục tiêu về khả năng sinh lời, thế nhưng về kế hoạch tăng trưởng doanh thu của MIG, VNDirect cho rằng vẫn lạc quan hơn khi doanh nghiệp này đang sở hữu một lợi thế cạnh tranh rất lớn là thành viên của hệ sinh thái MBBank/Viettel. Vì vậy, VNDirect dự phóng trong giai đoạn năm 2023- năm 2025 phí bảo hiểm gốc của MIG có thể tăng trưởng kép 17% (cao hơn so với ngành ở khoảng 10-12%). Cũng có nghĩa, thị phần của MIG sẽ được cải thiện từ 7,7% trong năm 2022 lên khoảng 8,5-9,0% trong năm 2025.

Nguồn ảnh: Internet.

Về khả năng sinh lời, VNDirect cũng kỳ vọng MIG sẽ ghi nhận tỷ lệ kết hợp cao hơn vào năm 2023 do mức nền thấp trong Q1/2022 bởi COVID và phí bảo hiểm vẫn hết sức cạnh tranh mạnh.

Về hiệu quả đầu tư, VNDirect dự báo vào năm 2023 lợi suất sẽ cải thiện đáng kể nhờ lãi suất tiền gửi cao hơn và TTCK hồi phục. VNDirect cũng dự báo lợi suất sẽ quay về khoảng 7,5% trong những năm tiếp theo.

Dựa theo dự phóng của VNDirect về doanh thu và lợi nhuận, trong giai đoạn 2023-2025 MIG sẽ đạt ROE ở khoảng 11-12%.

Nằm trong liên danh bảo hiểm vụ rơi máy bay tại vịnh Hạ Long

Vào chiều 5/4, máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã gặp sự cố làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng. Ngày 07/4, nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong liên danh bảo hiểm đã lên tiếng. Cụ thể, trong thông cáo báo chí, liên danh Bảo hiểm PVI – Bảo Việt – MIC xác nhận là nhà bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam, trong đó Bảo hiểm PVI là Nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong Liên danh Bảo hiểm.

Với vai trò là nhà Bảo hiểm gốc đứng đầu, Bảo hiểm PVI ngay lập tức có mặt tại hiện trường, phối hợp với VNH và các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành.

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã tạm ứng bồi thường cho gia đình đại tá phi công lái trực thăng Bell 505 số hiệu VN-805 rơi tại vịnh Hạ Long với số tiền 50.000 USD (tương đương 1,18 tỷ đồng) vào ngày 7/4.

Số tiền còn lại (150.000 USD) dự kiến sẽ được PVI chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định của đơn bảo hiểm.

Hiện vẫn chưa có thông tin Bảo hiểm Quân đội (MIC) lên tiếng về vụ việc trên.

Vào năm 2007 MIG được thành lập, chuyên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trên cả hai lĩnh vực bảo hiểm cá nhân (tai nạn con người, chăm sóc sức khỏe, xe cơ giới) và bảo hiểm thương mại, công nghiệp (tài sản & thiệt hại, cháy nổ, hàng hóa, hàng không, tàu thuyền cũng như nhiều loại hình khác). Tính tới năm 2021, MIG có 69 công ty con và 4.200 đại lý trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam.

Theo Facebook Tạ Ngọc/ DIỄN ĐÀN SỰ THẬT GROUP