Ngọc Lan ·
35 tuần trước
 9875

Bộ TN&MT chỉ đạo xử lý ô nhiễm bụi tại sân bay Long Thành

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam về hiện tượng bụi phát sinh lớn gây ảnh hưởng đến người dân và hoạt động giao thông đường bộ tại Dự án "Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1".

Để giải quyết triệt để hiện tượng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương (ACV), nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tối đa việc phát sinh bụi trong quá trình thi công Dự án theo Thông báo số 302/TB-BTNMT ngày 05/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với ACV; đặc biệt trong giai đoạn khu vực thi công Dự án bước vào mùa khô, xuất hiện hiện tượng gió lốc mạnh. 

Tăng cường hơn nữa công tác tưới nước dập bụi, đặc biệt vào các giờ cao điểm khô, nắng nóng, gió dễ xảy ra lốc cho tất cả các khu vực san lấp đã được bóc tầng phủ. Theo dõi thường xuyên, liên tục việc thực hiện tưới nước của các nhà thầu thi công trên các khu vực đã bàn giao cho nhà thầu thực hiện thi công; bảo đảm bề mặt khu vực tuyến đường vận chuyển và các khu vực chưa thi công luôn duy trì độ ẩm tối thiểu nhằm hạn chế bụi phát sinh.

Rà soát các khu vực có khả năng phát tán bụi gần tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây để tập trung thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi, đảm bảo không làm phát tán bụi từ Dự án gây ảnh hưởng đến công tác an toàn giao thông trên tuyến đường này. 

Ô nhiễm bụi tại khu vực xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: Thanh niên) 

Thường xuyên tưới nước tại các khu vực đã hoàn thiện bóc tầng phủ nhưng chưa được bàn giao cho nhà thầu để tiến hành thi công. Khẩn trương thực hiện trồng cỏ tại bãi trữ đất 722 ha đối với các khu vực đã đạt cao trình theo thiết kế; đối với các khu vực còn lại phải thực hiện lu lèn thường xuyên và tưới nước dập bụi trong quá trình đổ thải.

Yêu cầu và giám sát các nhà thầu thi công bảo đảm các xe vận chuyển phải chạy đúng tuyến đường quy định đã được tưới nước, tốc độ lưu thông xe không được vượt quá tốc độ quy định trong công trường.

ACV bố trí nguồn nhân lực để giám sát chặt chẽ các nhà thầu thi công trong việc thực hiện công tác giảm thiểu bụi trong quá trình thi công; chủ động rà soát, lên phương án bổ sung nguồn nước để đảm bảo cung cấp đủ cho hoạt động tưới nước trên công trường thi công; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc có liên quan để sớm triển khai thi công tại các khu vực đã hoàn thành công tác bóc tầng phủ.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ kết quả thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi trong quá trình thi công xây dựng Dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vào ngày 30 hàng tháng để theo dõi, giám sát.

Trước đó ngày 15/3, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã phối hợp với UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), UBND xã Bình Sơn (huyện Long Thành) làm việc với ACV để tiến hành giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm bụi tại dự án.

Tại buổi làm việc, ACV cho biết đã thực hiện biện pháp tưới nước dập bụi, trong đó đơn vị thi công, nhà thầu đã huy động 43 xe bồn tưới dập bụi dọc theo tuyến đường nội bộ trong phạm vi dự án.

Đến ngày 18/3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 2201 gửi ACV đề nghị đơn vị này khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi trong quá trình thi công Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành, hiện công trình này đang đồng loạt triển khai nhiều gói thầu lớn, có khoảng 6.000 phương tiện, nhân lực tham gia thi công. Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành sẽ tăng cường tưới nước, đồng thời kiểm soát chặt, buộc tất cả phương tiện phải lưu thông trên đường công vụ.

Ban Quản lý Dự án Sân bay Long Thành cũng nhận định, việc khắc phục triệt để bụi phát tán tại Sân bay Long Thành là bài toán nan giải, bởi đất trong phạm vi dự án đã bóc hết tầng phủ, không có thảm thực vật che chắn nên khi gió lớn là bụi phát sinh, các đơn vị chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.