Thành Phong ·
28 tuần trước
 7907

Xử lý nghiêm nhà thầu yếu kém khi xây sân bay Long Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải xử lý nghiêm những nhà thầu, tư vấn giám sát kỹ thuật yếu kém, không đủ năng lực, buông lỏng, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của đại dự án Sây bay Long Thành

Tại buổi làm việc với chủ đầu tư dự án và các bộ, ngành, địa phương ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự án sân bay Long Thành là công trình thế kỷ, có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu rất cao về chất lượng, công nghệ. Do đó, chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan tư vấn, giám sát rà soát, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại có thể gây rủi ro, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của công trình để có phương án dự phòng chủ động.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện dự án…

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động và kêu gọi cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu, tư vấn giám sát thi đua xây dựng phương án bảo đảm tiến độ, hợp tác nhịp nhàng, hiệu quả, an toàn trong thi công, thực hiện nghiêm minh trong giám sát, tư vấn, kiểm tra để bảo đảm chất lượng công trình.

Tiến độ dự án Sân bay Long Thành. (ảnh:ITN)

Theo Báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến nay các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã được lần lượt khởi công trong tháng 7/2023 và tháng 8/2023. Hiện, các nhà thầu đang khẩn trương huy động, tập kết máy móc, nhân lực theo bảng tiến độ thi công chi tiết.

Toàn bộ công trường có hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính.

Gói thầu san nền thoát nước (650 nhân sự trực tiếp trên công trường và 650 máy móc/trang thiết bị, sắp hoàn thành mặc dù mưa tuy nhiên vẫn duy trì đủ máy móc); Gói thầu Nhà ga hành khách (516 nhân sự trực tiếp trên công trường, 300 máy móc/trang thiết bị, đã lắp dựng 2 trạm trộn); Gói thầu Khu bay đường CHC đường lăn sân đỗ máy bay (308 nhân sự trực tiếp trên công trường và 145 máy móc/trang thiết bị, 5 trạm trộn); Gói thầu Giao thông kết nối (605 nhân sự trực tiếp trên công trường và 196 máy móc/trang thiết bị, 2 trạm trộn).

Các công tác phụ trợ như xây dựng nhà điều hành công trường, phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu, lắp đặt cẩu tháp... chuẩn bị máy móc thiết bị và các khâu thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng biện pháp tổ chức thi công chi tiết từng cấu kiện, từng hạng mục được triển khai khẩn trương, với tinh thần "bản vẽ đến đâu thi công đến đấy".

ACV đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu hạng mục nhà ga bố trí linh hoạt theo phương án thi công trong mùa mưa, tập trung huy động máy móc để chuẩn bị đợt thi công cao điểm khi mùa mưa kết thúc vào tháng 11/2023.

Đề xuất giảm tổng mức đầu tư sân bay Long Thành

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỉ đồng xuống còn 19.207,504 tỉ đồng. Điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi từ 5.399,35 ha xuống còn 5.317,35 ha (giảm 82 ha).

Trong đó, diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha; diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 284,7 ha; diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không là 32,65 ha.

Đối với phần diện tích phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn, giảm không thực hiện đầu tư (diện tích 97 ha theo Nghị Quyết 53/2017/QH14; diện tích 81,86 ha theo Quyết định số 1487/QĐ-TTg) và đưa ra khỏi dự án, đồng thời chấp thuận giao cho UBND tỉnh Đồng Nai giữ lại khu đất 78,79 ha phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn đã được bồi thường để phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch của địa phương.

Đối với phần kinh phí bồi thường của khu đất nêu trên (phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn), UBND tỉnh Đồng Nai sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh để hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định.

Đề xuất cho phép bố trí tái định cư các hộ dân thuộc tuyến đường giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 để bảo đảm thời gian thực hiện hoàn thành dự án, đồng thời cho phép UBND tỉnh Đồng Nai kéo dài thời gian giải ngân với số vốn là 2.510,372 tỉ đồng.

Báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, công tác lập dự toán ngân sách và rà soát nội dung của dự án thành phần chưa sát với thực tiễn, có sự điều chỉnh vốn đầu tư tương đối nhiều; các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, mang tính định tính.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá tác động đối với việc bổ sung diện tích thu hồi tuyến thoát nước và chi phí phát sinh liên quan; đề nghị bổ sung cụ thể hơn về lý do điều chỉnh tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha.

Đồng thời đề nghị, đánh giá, làm rõ hơn về các công tác chuẩn bị thực hiện dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 trước khi tạm ngưng triển khai như công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan.

Có ý kiến cho rằng, tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 không có nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 nên không phải điều chỉnh Nghị quyết số 53/2017/QH14 về nội dung này.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6966897700036593