Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận được loạt câu hỏi về việc xử lý các dự án BOT giao thông.
Trong đó có 2 vấn đề quan trọng mà các đại biểu nêu đó là: Bộ GTVT trễ hẹn xử lý trạm BOT gây bức xúc và việc đầu tư các tuyến đường mới khiến doanh nghiệp BOT đứng trước nguy cơ phá sản.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài và một số trạm thu phí BOT khác chưa được dỡ bỏ, ông Nguyễn Văn Thắng không nêu ra thời điểm cụ thể dừng thu phí các trạm này.
Bất cập các dự án BOT
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về những bất cập của trạm thu phí nói chung, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài nói riêng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, một số trạm thu phí thực hiện theo Nghị quyết 612, trên thực tế gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, có các vướng mắc liên quan đến hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư.
Bộ trưởng nói, doanh nghiệp và Nhà nước "rất bình đẳng" khi đã đặt bút ký hợp đồng. Chính vì vậy, trong quá trình xử lý, Bộ Giao thông Vận tải đã cố gắng, nỗ lực. Đến nay, cũng có những trạm BOT đã xử lý được, nhưng có những trạm phải tiếp tục đàm phán.
Theo ông, việc xử lý những bất cập đối với trạm thu phí cần phải thực hiện đa mục tiêu, trong đó vừa phải đàm phán với ngân hàng về việc giảm lãi suất, miễn lãi suất, vừa phải đàm phán với nhà đầu tư bỏ lợi nhuận vốn chủ sở hữu.
"Rất nhiều dự án BOT không phải lỗi của nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của Nhà nước, mà do vấn đề kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh khiến cần thiết phải mở các tuyến đường như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về phương án giải quyết các dự án đầu tư theo hình thức BOT đến nay không có khả năng hoàn vốn, mà nguyên nhân là do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước các tuyến song hành hoặc tuyến tránh, phá vỡ phương án tài chính của dự án, ông Nguyễn Văn Thắng thừa nhận trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông "đôi khi không tính toán hết được".
Cách đây 10-15 năm, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn trong khi nguồn lực có hạn, lúc đó Nhà nước tạo mọi điều kiện mời gọi nhà đầu tư. Khi kinh tế xã hội phát triển, các cơ quan rà soát lại thấy rằng cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, nên nhiều dự án bị ảnh hưởng.
Sắp tới, toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông hoàn thành sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chia sẻ lưu lượng. Tuyến Dầu Giây - Phan Thiết sau khi khánh thành thì tuyến BOT trên quốc lộ 1A giảm 83% doanh thu tại Bình Thuận trong tháng 5. Nguyên nhân là đi tuyến mới vừa nhanh, vừa không mất tiền.
Vì vậy, Luật Hợp tác công tư (PPP) đã tính toán, khi dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp có doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư chia sẻ lại cho Nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn 75% so với dự kiến thì Nhà nước phải chia sẻ.
Với dự án đại biểu nêu, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ thì tuyến BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Trước đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, mua lại dự án của nhà đầu tư, bởi khi có tuyến tránh không mất tiền mà đi nhanh hơn thì không ai đi tuyến chính.
"Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế thu hồi phần vốn nhà nước đầu tư trên các cao tốc. Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu cơ chế xử lý các dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước làm các tuyến tránh, cao tốc", ông nói.
Cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, BOT sẽ bị ảnh hưởng
Bên cạnh việc chất vấn về thời điểm đóng cửa trạm BOT để đảm bảo quyền lợi cho người dân, các đại biểu Quốc hội cũng nêu những khó khăn của doanh nghiệp BOT khi Nhà nước khai thác thêm các tuyến đường mới.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho biết nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp đường sá theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT.
Đại biểu Hoàng Anh dẫn chứng, nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được một năm, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư từ ngân sách Nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp và họ “đang đứng bên bờ phá sản”.
Trước vấn đề đại biểu Lê Hoàng Anh nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm, đã lập các đoàn công tác đi khảo sát ở các địa phương, hiện nay có các dự án BOT đang gặp vấn đề.
Tư lệnh ngành giao thông nêu thực trạng khi đưa các dự án cao tốc Bắc - Nam mới vào vận hành, nhiều doanh nghiệp BOT giao thông đã bị ảnh hưởng. Ở Bình Thuận, có doanh nghiệp BOT giảm 83% doanh thu sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe.
"Chúng tôi đang làm hết sức mình để làm sao tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.