Đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết tính đến hết ngày 6/10, có 21 nhà máy/phần nhà máy Năng lượng Tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.201,42MW đã hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD), phát điện thương mại lên lưới, tăng thêm 1 dự án so với tuần trước.
Theo đó, dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp thứ 21 hoàn thành thủ tục phát điện lên lưới là Nhà máy điện gió Thanh Phong giai đoạn 1, có công suất 29,7 MW do Công ty Cổ phần Năng lượng Ecowin làm chủ đầu tư, có vị trí tại, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Theo thống kê, 24 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 30 dự án đã được cấp Giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư (tăng thêm 1 dự án so với tuần trước-Nhà máy điện gió HBRE Hà Tĩnh).
Số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 81/85 dự án (tổng công suất 4.597,86MW), không tăng thêm dự án nào so với thống kê từ ngày 23/9/2023, trong đó 68 dự án (tổng công suất 3.949,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/68 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt phê duyệt giá tạm cho 62 dự án (tổng công suất 3.399,41MW). Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 5/10/2023 đạt gần 652 triệu kWh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Tuy vậy, vẫn còn 4 dự án với tổng công suất 136,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán, gồm: Nhà máy điện gió số 18 - Sóc Trăng; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 2.2; Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu giai đoạn 1 và Nhà máy điện Mặt Trời Ngọc Lặc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu quyết tâm hành động, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, bởi nước ta hội tụ được các điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phát triển các dạng điện năng sạch quan trọng nhất.
So với nhiều nước, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh mẽ ngành điện năng lượng tái tạo. Bởi, chúng ta có có tiềm năng thiên nhiên rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phân bổ rộng khắp trên toàn quốc.
Cụ thể, nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam phân bổ trên khắp đất nước và phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm2, tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu qui đổi/năm.
Bên cạnh, nguồn năng lượng gió cũng khá dồi dào với khoảng 3400 km bờ biển. Theo tính toán, tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng gió có thể đạt được 24GW. Tính chi tiết, trên đất liền, tổng công suất điện gió có thể đạt đến khoảng 800-1.400 kwh/m2/năm. Công suất ở các khu vực ven biển; Tây Nguyên và phía Nam có thể đạt khoảng 500-1.000 kwh/m2/năm, còn ở các khu vực khác đạt dưới 500 kwh/m2/năm.
Thấp hơn các loại năng lượng nói trên, nhưng năng lượng sinh khối qui đổi cũng tương đương khoảng 43-46 triệu tấn dầu trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp.
Năng lượng địa nhiệt cũng đáng được chú ý. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi vốn bị hạn chế về nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời bởi yếu tố khí hậu thì các nghiên cứu cho thấy năng lượng địa nhiệt lại khá khả quan với nhiều bồn địa nhiệt ở Vùng Đông Nam-Tây Bắc, Đới địa nhiệt đứt gãy Sông Lô-Vĩnh Ninh…
Ngoài ra, còn có nguồn sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp với sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp.
Và cuối cùng cũng không nên quên vai trò không nên bỏ qua của thuỷ điện nhỏ (có công suất nhỏ hơn 30MW) với tổng công suất tiềm năng hơn 4000MW…
Sau những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã điều chỉnh quan điểm phát triển nguồn điện từ Quy hoạch điện VII sang phương án chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, các chuyên gia năng lượng nhận định, Quy hoạch điện VIII đã đánh giá toàn diện hơn, đưa vào cân đối nhiều loại nguồn điện linh hoạt hơn.
Về cơ bản, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó Quy hoạch điện VIII đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết trong năm 2022.
Nhìn từ Quy hoạch điện VIII, có thể thấy cơ cấu nguồn điện Việt Nam đến năm 2030 có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giảm nhiệt điện than. Trong đó, nhiệt điện khí được coi là “trụ đỡ” cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trong giai đoạn này.
Nhìn một cách tổng thể, Quy hoạch điện VIII đã thống nhất được một phương án “đủ và xanh”, nhưng có thể khó thực hiện hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện năng lượng tái tạo, trong khi các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.
Quy hoạch điện VIII cũng khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6939793172747046/