Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, các địa phương cùng các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng với mục đích góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Đến nay đã có 20 tỉnh bao gồm: Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn là 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là 1.229 tỷ đồng.
Một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương tính đến nay đã được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng, cụ thể:
Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu tại TP Hà Nội được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý II/2023 là 12 dự án với quy mô 12.679 căn, các địa phương đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Thời gian tới vẫn cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cấp chính quyền, sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thúc đẩy hoàn thành 110 dự án quy mô 100.213 căn đang triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với 309 dự án với quy mô 292.422 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để đạt mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Thúc đẩy cho vay bất động sản
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/2023, ngày 24/10 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa.
Đồng thời tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản, cùng với đó có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Ngoài ra cần có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014 quy định phương pháp định giá đất trong tháng 10 năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, nhất là lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch kịp thời, hiệu quả, triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội từng năm từ nay đến năm 2030. Chủ động tích cực làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6994254297300933/?