Thành Phong ·
47 tuần trước
 6805

Cập nhật mới nhất về 85 dự án năng lượng tái tạo

Tính đến ngày 16/6, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 59 dự án đã đề nghị giá tạm.

Theo cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới ngày 16/6/2023, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

 Tới ngày 16/6/2023, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN.

Đặc biệt, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án.

Có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 541,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 16/6, đạt khoảng 38,59 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 35 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

EVN cũng công bố bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp của 85 dự án và Bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 59 dự án đã đề xuất giá tạm.

Trong bối cảnh tắc nghẽn nhiều mặt, ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương ban hành khung giá chuyển tiếp cho các dự án điện mặt trời, điện gió. Mức giá chính thức dựa trên những tính toán từ EVN.

Theo đó, mức giá mới cho điện mặt trời vào khoảng 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với giá FIT 2 (biểu giá điện năng lượng tái tạo được áp dụng cho dự án hoặc một phần dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020). Mặt khác, giá điện gió trên bờ và gần bờ đều giảm khoảng 21% xuống 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.

Mặc dù khung giá mới là dấu hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo chuyển tiếp khi các dự án của họ không được khai thác trong một thời gian dài kể từ khi giá FIT hết hạn, nhưng với khung giá này, VNDIRECT cho rằng không phải dự án nào cũng có khả năng sinh lời tốt. Để tối ưu khả năng sinh lời, các nhà đầu tư cần nỗ lực cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và lãi vay.

VNDIRECT cho rằng giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra những quyết định tiếp theo, đặc biệt là việc ban hành cơ chế giá chính thức cho các dự án năng lượng tái tạo mới phát triển.

Đáng chú ý, Việt Nam đang tích cực thí điểm và hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và nhiều khả năng đây sẽ là hướng đi tiếp tục của giai đoạn phát triển sắp tới của thị trường năng lượng tái tạo.

VNDIRECT nhận thấy tầm nhìn của Chính phủ đang dần được hình thành một cách rõ ràng hơn về giai đoạn tiếp theo của ngành.

Với mục đích đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, EVNEPTC đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc.

EVN và EVNEPTC rất mong chủ đầu tư các dự án (kể cả các dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm) tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ các hồ sơ phục vụ đàm phán, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý, phối hợp với EVNEPTC và đơn vị vận hành hệ thống điện để thực hiện ngay công tác thí nghiệm và thử nghiệm của nhà máy điện, khẩn trương tổ chức nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục và gửi hồ sơ công nhận vận hành thương mại (COD) theo quy định của hợp đồng mua bán điện PPA đã ký kết, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6545209648872069/