Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)
Cơ chế này không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Báo cáo dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.
Để dễ dàng hơn trong việc áp dụng, dự thảo cũng đã định nghĩa cụ thể như thế nào là điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể: "Hệ thống điện mặt trời mái nhà" là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái của nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp;
Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích chính để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trụ sở của doanh nghiệp là văn phòng làm việc của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Các cơ chế khuyến khích dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Về phương án phát triển nguồn điện, Quyết định 500 nêu "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp".
Bộ Công Thương cho hay, trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Trong khi việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho loại hình năng lượng này cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành theo đúng các trình tự thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Bộ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước.
Theo quyết định 13/2020 trước đây về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của bên mua điện. Hệ thống này được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho bên mua là EVN hoặc tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của EVN, với mức giá bán là 8,38 UScent/kWh. Tuy nhiên với cơ chế này được Bộ Công Thương đề xuất, sẽ giới hạn đối tượng khuyến khích và hệ thống điện áp mái được lắp đặt chỉ phục vụ cho tự dùng, không bán điện lên lưới cho EVN. |
Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6544981768894857/