Tạ Nhị ·
47 tuần trước
 7804

Cập nhật mới nhất về các dự án năng lượng tái tạo đàm phán với EVN

Đến ngày 13/6/2023, đã có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cập nhật đến ngày 13/6, có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Nhiều khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang được tích cực tháo gỡ.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12/6, đạt 29.270,02MWh. Trong đó, ngày 11/6, sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã COD là hơn 3,2 triệu kWh, trong khi sản lượng điện tiệu thụ trong ngày là 751 triệu kWh. Như vậy, sản lượng điện phát các dự án chuyển tiếp đã COD chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống.

Hiện đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án.

Ngoài ra, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Cũng theo EVN, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942.70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vướng mắc hiện nay để sớm đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

Đối với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ phê duyệt giá tạm thời, EVN cũng sẽ khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện. Các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27-5 để trình Bộ phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.

EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27-5; hoàn thành các thử nghiệm theo quy định trước ngày 27-5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm; xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan; khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở công thương theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kể, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền. Cục này có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Cục Điều tiết điện lực khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.

Tạ Nhị