Thành Vũ ·
16 tuần trước
 8281

Chi tiết 10 cây cầu bắc qua sông Hồng sắp được xây dựng

Trong năm 2024 và thời gian tới, 10 cây cầu nữa sẽ được xây dựng nâng tổng số cầu bắc qua sông Hồng của Thủ đô lên 18 cây cầu.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng đã được đưa vào khai thác vận hành gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang.

Việc quy hoạch xây dựng 10 cây cầu mới qua sông Hồng là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ùn tắc giao thông tại các cây cầu qua sông Hồng hiện hữu, hàng ngày đang phải "gồng mình" với mật độ giao thông tăng cao đột biến qua các năm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu bác qua sông Hồng gồm:

Cầu Vân Phúc

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Chủ đầu tư) đã có báo cáo về Dự án Đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng, tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ.

Dự án sẽ được khởi động vào quý II/2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2027. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn các xã như Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) với tổng chiều dài 7,76 km.

Vị trí cầu Vân Phúc qua sông Hồng.

Điểm đầu tuyến sẽ nằm tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 32, điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc, tổng diện tích sử dụng đất của Dự án hơn 34,9 ha. Trong đó, có 17,1 ha đã được Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường đền bù, giải phóng mặt bằng, trùng với Dự án đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam.

Cầu Vân Phúc cũng là 1 trong 10 cầu qua sông Hồng sẽ được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 9 cầu còn lại gồm cầu Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên.

Hiện TP. Hà Nội đã có 8 cầu qua sông Hồng gồm cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Đáng chú ý, trong số các cây cầu vượt sông theo quy hoạch Thủ đô trong giai đoạn 2023 - 2025, UBND TP. Hà Nội mới đây đã xác định ưu tiên đầu tư 5 cây cầu vượt sông Hồng như cầu Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, cầu Tứ Liên.

Đây là những mảnh ghép quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của TP. Hà Nội, có vai trò kết nối nhiều khu vực đô thị với các Vành đai 3, 3,5, 4, 5.

 Cầu Hồng Hà

Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016, lộ trình triển khai cầu Hồng Hà trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.

Vị trí cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng

Khu vực phía nam dưới chân cầu Hồng Hà là phần đê bãi Tiên Tân. Bên trong đê là nơi ở của hàng nghìn hộ dân với nhiều khu vực có ao, hồ bao quanh, đình chùa sát chân đê.

Dự kiến tuyến đường dẫn lên cầu Hồng Hà là đường Tiên Tân. Khu vực này nằm trên trục đường vành đai 4 được định hướng quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp.

Cầu Hồng Hà có chiều dài khoảng 6km, tổng mức đầu tư ước khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau khi cầu Hồng Hà được hoàn thành sẽ giảm tải mật độ phương tiện đi qua cầu Thăng Long và cầu Thượng Cát, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Cầu Thượng Cát

Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015 - 2030, cầu Thượng Cát có mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng.

Vị trí cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng

Với thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m, cầu Thượng Cát qua sông Hồng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối, khai thác hợp lý với hạ tầng giao thông đã được xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, giảm thiểu ùn tắc; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và khu vực nói chung.

Cầu Tứ Liên

Cầu Tứ Liên là dự án giao thông quan trọng nối từ đường Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội) sang xã Đông Hội (huyện Đông Anh). Khi đưa vào hoạt động, công trình không chỉ góp phần giảm tải giao thông cho các tuyến đường kế cận mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội cho những vùng ven, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cầu Tứ Liên là dự án vô cùng quan trọng của Hà Nội được thai nghén từ năm 2010. Công trình này có mức đầu tư lên tới 17.000 tỷ đồng, dự kiến chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group.

Cầu Tứ Liên có tổng chiều dài 4,8km (gồm cả đường dẫn), bề rộng mặt cầu là 43m (6 làn xe cơ giới và 2 làn cho người đi bộ). Cây cầu này sẽ nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, kết nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Cầu sẽ nối tuyến đường trục chính đô thị dọc theo đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Long Biên, quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.

Phạm vi dự kiến bắt đầu tại đường Nghi Tàm (khu khách sạn Thắng Lợi) và kết thúc tại điểm nối với QL3 (Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, địa phận huyện Đông Anh). Trên đoạn tuyến này sẽ có 5 nút giao, bao gồm: nút giao Nghi Tàm, nút giao Hữu Hồng, nút giao kết nối bãi giữa, nút giao Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài.

Đây là 1 trong những hạng mục kết nối các tiện ích ngoại khu quan trọng của dự án Vinhomes Cổ Loa (đường Trường Sa, xã Đông Hội, Huyện Đông Anh, Hà Nội). Khu đô thị này nằm ngay phía bên chân cầu Tứ Liên. Thực tế cây cầu này không nằm trong dự án nhưng nó lại được đánh giá như 1 bước nối liền giữa Vinhomes Cổ Loa với các địa điểm quan trọng khác của khu vực Đông Anh.

Cầu Tứ Liên sẽ là cầu dây văng kết hợp văng xoắn tạo các nhịp cầu lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ. Điểm nhấn là 2 hệ trụ giao nhau cao 158m biểu trưng cho 2 cặp rồng từ mặt nước vút bay lên trời cao. Thiết kế này không chỉ thanh thoát về tổng thể mà còn đậm nét về lịch sử và văn hóa Hà Nội, mang tính biểu tượng của Thành phố vì hòa bình.

Thời gian dự kiến xây dựng cầu Tứ Liên kéo dài 5 năm trong giai đoạn từ 2022 – 2026. Trước đây, dự án được thông qua đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, ngày 18/6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), chính thức bãi bỏ các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2)

Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 17/1/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng sử dụng ngân sách thành phố. Đây là dự án giao thông trọng điểm nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2, giảm thiểu ùn tắc giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ngày 31/8, Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 chính thức được thông xe đưa vào sử dụng.  Cùng với cầu Vĩnh Tuy- giai đoạn 1 (hoàn thành thành và tổ chức khai thác  từ ngày 26/9/2010), cầu Vĩnh Tuy- giai đoạn 2 góp phần tăng cường khả năng lưu thông và kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo thế và lực mới trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Cầu Mễ Sở

Cầu Mễ Sở sẽ bắc qua sông Hồng, thuộc vành đai 4, kết nối huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thường Tín (TP Hà Nội).

UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600 m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.

Điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa quốc lộ 1A và vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với vành đai 4. Cầu và đường dẫn dài gần 14 km.

Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Hiện người dân khu vực này vẫn lưu thông qua bến phà Mễ Sở.

Cầu Mễ Sở còn tạo nên sự kết nối giữa hai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội.

Cầu Trần Hưng Đạo

Cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công trong năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 8.670 tỷ đồng, giảm gần 3% chi phí so với tổng mức đầu tư ban đầu (8.958 tỷ đồng). Công trình được thi công trong 3 năm và hoàn thành vào quý 2/2025.

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy, với tổng chiều dài (gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Điểm đầu cầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận, quận Long Biên.

Trước đó, đầu tháng 3/2023, Triển lãm phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tổ chức tại Nhà Triển lãm - số 93 Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội trong 1 tháng để tham vấn ý kiến cộng đồng.

Sau đó, TP. Hà Nội đã "chốt" phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau. Theo phương án thiết kế, phần cầu chính có độ dài 900m, chia làm 6 nhịp; mỗi nhịp dài 150m.

Đáng chú ý, xuất phát từ mong muốn cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông đơn thuần mà còn hướng đến mục đích "vị nhân sinh" nên đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng được đề xuất có thêm 2 làn xe đạp và vỉa hè dành cho người đi bộ ngoài 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh, có ghế ngồi để người dân có thể dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tạo điểm nhấn kết cấu.

Để phục vụ tiềm năng phát triển du lịch, ở hai bên đầu cầu được bố trí lối dẫn phù hợp với việc quy hoạch công viên cây xanh trong tương lai, tạo thành một địa điểm có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động cộng đồng.

Cây cầu được lấy cảm hứng từ ấn tượng về không gian mênh mông trải rộng trên dòng sông Hồng, một dòng sông có cả chiều dài về lịch sử, chiều rộng về không gian.

Cầu Ngọc Hồi

Dự án cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng được đầu tư lên tới 4.880 tỷ đồng với chiều dài 13.8 km và quy mô 6 làn xe chạy. Dự kiến công trình này được hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ giúp người dân Văn Giang thuận tiện di chuyển tới Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Cụ thể, điểm đầu của đường vành đai 3,5 là đoạn giao với quốc lộ 6 (Quang Trung, Hà Đông) và điểm cuối là nút giao với đường Pháp Vân, Cầu Giẽ. Đoạn kết này sẽ nối với cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng và đến Gia Lâm.

Theo bản đồ quy hoạch, dự án cầu Ngọc Hồi có vị trí 2 đầu nằm ở địa bàn xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) và huyện Thanh Trì. Cầu Ngọc Hồi được xây dựng hướng sang xã Văn Đức sẽ liền kề với thị trấn Văn Giang (Hưng Yên), nhờ đó tăng cường khả năng kết nối giữa các khu vực.

 Các cầu còn lại gồm cầu Phú Xuyên dài 5 km, dự kiến triển khai giai đoạn 2020 - 2025; cầu Thăng Long mới dài 2km, dự kiến xây dựng sau năm 2030.

Như vậy, tính cả 8 cây cầu đang khai thác vận hành, đến năm 2050, TP. Hà Nội sẽ có tổng cộng là 18 cây cầu qua sông Hồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy "cầu chỉ để vượt sông" đã không còn phù hợp với Hà Nội hiện đại nữa. Mỗi cây cầu phải thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến; hơn nữa còn có thể hướng tới các giá trị kinh tế-xã hội thiết thực. Những ý tưởng như biến cầu vượt sông Hồng thành điểm tham quan du lịch, hay một nền tảng để khai thác kinh tế giao thông cần được xem xét nghiêm túc, cụ thể.

Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng. Trong tương lai gần, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Nội, trong sự đô thị hóa nhộn nhịp đó có bóng dáng của những cây cầu.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7253842894675404/