Minh Anh ·
27 tuần trước
 8071

Lên phương án kiến trúc cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng

Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015-2030, cầu Thượng Cát có kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 8.300 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Đây là dự án giao thông huyết mạch khu vực Tây Bắc Thủ đô Hà Nội nối quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh. Cầu được thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m.

Phương án thiết kế cầu có mái vòm sắt, gồm hai đơn nguyên cầu ghép với nhau. Thiết kế cầu có trụ dây văng và có đường dành riêng cho phương tiện vận tải hành khách công cộng, như: xe buýt, buýt nhanh BRT hoặc tàu điện...

Đối tượng dự thi phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.

Các tổ chức, cá nhân dự thi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi trực tiếp đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tại số 1 Quang Trung (Hà Đông, TP Hà Nội).

Thời gian nộp hồ sơ thi tuyển phương án kiến trúc (giai đoạn thi tuyển) trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn vị tổ chức cuộc thi phát hành thông báo về các cá nhân, tổ chức vượt qua giai đoạn sơ tuyển được tham dự giai đoạn thi tuyển.

Thượng Cát là 1 trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội.

Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5.

Đồng thời, góp phần kết nối liên thông đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.

Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 11 diễn ra ngày 10/3, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu.

Cùng với cầu Thượng Cát, Hà Nội triển khai dự án Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 có tổng mức đầu tư là 1.495 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.

Tổng chiều dài của dự án là khoảng 3,5 km với quy mô mặt cắt ngang 60 m. Địa điểm xây dựng là quận Bắc Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Trên tuyến đầu tư một cầu bê tông cốt thép.

Việc đầu tư xây dựng dự án giao thông nêu trên được Hà Nội đánh giá là góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt và nối thông toàn tuyến Vành đai 3,5 từ phía Nam sang phía Bắc sông Hồng.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3,5 là đường trục chính đô thị bắt đầu từ tuyến đường nối giữa đường Vành đai 3 và Vành đai 4 thuộc xã Quang Minh đi về phía Nam qua cầu Thượng Cát - QL32 - Đại lộ Thăng Long - QL6 - Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và kết thúc tại cầu Ngọc Hồi.

Tuyến đường có chức năng kết nối nhiều trục hướng tâm quan trọng của thành phố (trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì, QL32, Đại lộ Thăng Long, QL6, QL1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...).

Hiện nay đoạn tuyến từ QL6 đến Đại lộ Thăng Long đã được đầu tư; đoạn tuyến từ QL32 đến Đại lộ Thăng Long đang thực hiện đầu tư theo 2 dự án, chuẩn bị đầu tư theo 1 dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu và một số đoạn tuyến đã được UBND Thành phố cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32, đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến Pháp Vân - Cầu Giẽ...).

Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.

Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, nâng cao tỷ lệ mật độ đường giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh và các địa phương lân cận nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Thượng Cát là 1 trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch GTVT Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7025038994222463/