Minh Anh ·
22 tuần trước
 8921

Dự án cầu Thượng Cát qua sông Hồng được Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng là dự án nhóm A duy nhất được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tách thành các dự án thành phần, không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.

Sáng 8/12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư 23/26 dự án trình, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư công của Thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến là 18.816 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng là dự án nhóm A duy nhất được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tách thành các dự án thành phần, không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.

Tổng số dự án UBND thành phố Hà Nội trình thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư là 28 dự án (trong đó có 1 dự án nhóm A, 25 dự án nhóm B, 2 dự án nhóm C) với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 18,2 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án (gồm 21 dự án nhóm B và 2 dự án nhóm C); phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 5 dự án cấp thành phố (gồm 1 dự án nhóm A, 4 dự án nhóm B).

Vị trí cầu Thượng Cát qua sông Hồng

Đáng chú ý, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát là dự án nhóm A được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với nội dung tách thành các dự án thành phần (2 dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm; 1 dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu), không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025.

Nghị quyết của HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, bảo đảm không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.

Trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao: Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án; tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015 - 2030, cầu Thượng Cát có mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng.

Với thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m, cầu Thượng Cát qua sông Hồng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối, khai thác hợp lý với hạ tầng giao thông đã được xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, giảm thiểu ùn tắc; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và khu vực nói chung.

Nhằm đáp ứng cao nhất các điều kiện cho việc thiết kế và lập dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.

Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.

Sau thời gian chuẩn bị cho cuộc thi, có 4 đơn vị tổ chức đã qua vòng sơ tuyển, gồm có: Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm; Liên danh Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) và Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương (CUBIC) (gọi tắt là Liên danh TEDI-CUBIC; Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty TNHH Codai & Kiso- Jiban Việt Nam và Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng (CCU+CKJVN+CTC); Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI). Các công ty tham gia thi tuyển đều là công ty lớn trong lĩnh vực tư vấn.

Theo quy chế, cuộc thi hướng tới cái mới, nhằm tìm kiếm một phương án thiết kế sáng tạo, hiện đại và khả thi. Sáng tạo kiến trúc và cấu trúc cần được đề cao, khuyến khích đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư kết cấu tìm ra những dấu ấn mới cho Hà Nội. Không nên dễ dãi chấp nhận những cấu trúc cũ lặp lại, được chế biến hình thức từ những công trình đã được xây dựng, không nên bắt chước một hình mẫu dù đã được thừa nhận trên thế giới vì dù thành công ở đó nhưng không phải được tạo ra cho bối cảnh ở Việt Nam, bối cảnh của dòng sông Hồng. Các phương án thiếu sự sáng tạo sẽ không phản ánh được tầm vóc của Thủ đô.

Thực tế chứng minh trải qua hàng trăm năm dòng sông Hồng có sự biến đổi dòng chủ liên tục đặc biệt là khu vực cầu Long Biên, điều này sẽ ảnh hưởng đến khoang thông thuyền trong quá trình khai thác cầu. Cầu Long Biên (kết cấu dàn thép nhiều nhịp) là minh chứng thực tế vẫn đáp ứng tốt nhu cầu khai thác đường thủy dưới cầu mặc dù dòng chủ có sự thay đổi lớn.

 Cầu Thượng Cát cần lựa chọn phương án tính đến khả năng biến đổi dòng chủ trong tương lai mà vẫn đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy dưới cầu một cách tốt nhất.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7158833944176300/