Minh Anh ·
16 tuần trước
 8076

Chi tiết 3 dự án vành đai được Hà Nội đề xuất xây dựng

Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất UBND TP Hà Nội ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 2, vành đai 3... với tổng mức hơn 21.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung cũng như dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng gắn với các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất bổ sung danh mục một số dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư.

Đáng chú ý, với nhóm dự án đường vành đai, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án.

Ảnh minh họa

Vành đai 2 trên cao và dưới thấp

Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở-Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44m, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở.

Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.

Hiện vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4 km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội từng đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao.

Theo thống kê, nút giao Ngã Tư Sở được thiết kế với lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng lưu lượng thực tế đạt tới 8.000 phương tiện/giờ. Đây là nguyên nhân chính khiến khu vực thường xuyên ùn tắc.

Trước đó, ngày 25/12, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành dự án cải tạo, xén hè mở rộng lòng đường phục vụ giao thông nhằm giảm ùn tắc tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở.

Để thực hiện việc phân luồng mới, đơn vị đã di dời cây xanh, xén đảo dẫn hướng để tăng làn chờ cho các phương tiện; mở lối quay đầu mới cho các phương tiện đi theo hướng Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Tây Sơn; mở rộng lối quay đầu hướng Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi.

Hiện Sở GTVT Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông sau khi mở rộng khu vực nút giao Ngã Tư Sở. Thời gian thực hiện từ ngày 30/12 đến hết ngày 30/3/2024.

Vành đai 3 phía Bắc

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỷ đồng nhằm khắp kín đoạn còn lại của tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc.

Vành đai 3 là tuyến đường huyết mạch quan trọng của thủ đô Hà Nội. Nằm ở ven thành phố, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc đi lại của người dân và kết nối nội thành Hà Nội với các tỉnh phía bắc. Bản đồ đường vành đai 3 Hà Nội sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về tuyến đường này và dễ dàng hơn khi lưu thông, di chuyển đến khu vực lân cận trong vùng Thủ đô.

Nằm ở cửa ngõ của thủ đô, tuyến đường vành đai 3 có vai trò quan trọng kết nối phương tiện ở các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, phía Nam về trung tâm thành phố và góp phần giảm thiểu lượng xe cho nội đô. Đây là tuyến giao thông huyết mạch đầu tiên của Hà Nội được đầu tư xây dựng khép kín kể từ tháng 10/2020, khi dự án cầu cạn Mai Dịch – Thăng Long và đường Phạm Văn Đồng dưới thấp mở rộng được thông xe.

Với vị trí trọng yếu tại Hà Nội, Quy hoạch Vành đai 3 (Hà Nội) kết nối hầu hết các tuyến đường cao tốc qua Hà Nội. Các con đường chính trong thành phố cũng được kết nối qua đây. Cụ thể, đây là một trong hai tuyến đường đi thẳng lên sân bay Nội Bài và đi đến các khu đô thị mới nổi. Do đó vào các dịp lễ tết, giao thông cao điểm đường Vành đai 3 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Để giảm tình trạng ùn tắc, ứ nghẹt giao thông tại đường vành đai 3 trên cao, Thủ tướng đã phê duyệt dự án “Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc vành đai 3 TP Hà Nội”. Theo đó, 2 cầu đô thị sẽ có quy mô đường đô thị cấp 1 và nằm song song với cầu vượt Mai Dịch. Thời gian thi công ước tính từ quý 4 năm 2022 cho đến quý 1 năm 2024.

Đường Hoàng Quốc Việt kéo dài

Diện tích Hà Nội hiện nay đã tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dựa trên những nhu cầu cấp thiết của người dân đô thị và tầm nhìn phát triển thủ đô trong tương lai. Chính vì vậy, dân số khu vực này ngày càng gia tăng, dồn sức ép nặng nề lên cơ sở hạ tầng gây nên tình trạng ồn tắc liên miên kèm theo ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí diễn ra ngày một trầm trọng. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng, phát triển các dự án bất động sản tại khu vực này cũng trở nên cấp thiết để có thể đáp ứng kịp thời đề án mở rộng thành phố Hà Nội của Chính phủ.

Vì những lý do trên mà dự án quy hoạch đường Hoàng Quốc Việt kéo dài trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng) có 4 làn xe, tổng mức đầu tư 850 tỉ đồng.

Công trình nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đề xuất dự án trên sau khi rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung và dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng.

Mặc dù mang trong mình những tiềm năng vô cùng khả quan cho cả sự phát triển đô thị nhưng nhìn chung, dự án quy hoạch đường vẫn còn tồn đọng một vài vấn đề khiến cho quá trình triển khai thực hiện khó theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, tuyến đường này đang gặp phải rất nhiều tranh cãi đến từ phía dân cư, đặc biệt là khu dân cư đoạn đầu ngã 3 Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng và đoạn giao với đường 32 tại khu vực đường Văn Tiến Dũng. Theo những nhận định ban đầu, khu vực này hiện đang có quá nhiều dự án tái định cư cùng các khu tập thể, trường cấp ba và trường trung cấp. Chính vì thế khi tiến hành giải tỏa, không chỉ vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân mà còn đội vốn lên khá lớn, lại tác động nhiều đến sự ổn định của đời sống nhân dân.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7271810752878618/