Dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có chiều dài 3,44km và có tổng mức đầu tư 8.500 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, nơi có mật độ phương tiện cao bậc nhất Thủ đô. Đồng thời sẽ phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất nghiên cứu triển khai dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 phía Bắc dài khoảng 14km và dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với hầm 4 làn xe).
Được biết, vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel.
Trên tuyến này có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Vĩnh Tuy và Nhật Tân, cùng với đó là một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù. Hiện nay đường vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.
Sở GTVT Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông sau khi mở rộng khu vực nút giao Ngã Tư Sở.
Theo Dân Trí, các chuyên gia giao thông nhận định tính cấp thiết của dự án này trong việc giải tỏa ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở, cũng như đồng bộ hạ tầng cho toàn tuyến vành đai 2.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, dự án kết nối, tăng thêm dung lượng cho vành đai 2 trên cao Hà Nội đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy là cần thiết, cần được triển khai sớm.
Ông cho rằng tuyến vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy qua Ngã Tư Vọng về Ngã Tư Sở đã được vận hành, nhưng chủ yếu phục vụ cho di chuyển của phương tiện ô tô, kết nối giữa khu vực nội thành và quận Long Biên.
Đồng thời với thiết kế của dự án này, khi đến gần Ngã Tư Sở, các phương tiện đều phải rời khỏi vành đai 2 trên cao để đi xuống mặt đất. Điều này tạo ra áp lực giao thông rất lớn cho nút giao, đặc biệt ở chiều đi về phía đường Láng, Nguyễn Trãi và Tây Sơn.
Vì vậy, chuyên gia kỳ vọng trong tương lai gần, khi tuyến vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy được thực hiện, sẽ giúp hạ tầng của toàn tuyến được đồng bộ, giải tỏa áp lực cho "điểm đen" về ùn tắc giao thông của thành phố.
Cùng với đó, dự án giúp các phương tiện di chuyển thuận tiện hơn theo hướng tuyến vành đai.
Phân tích thêm, một giảng viên chuyên ngành giao thông vận tải đánh giá vai trò của đường vành đai đối với Hà Nội là rất quan trọng, bổ trợ cho hệ thống đường xuyên tâm, giúp giảm áp lực và xung đột cho giao thông trong nội đô.
"Đường đi xuyên thành phố bao giờ cũng ngắn hơn nhưng dễ tạo xung đột hơn, trong khi đường vành đai nối các điểm, nút giao vệ tinh quanh Hà Nội. Vành đai là hệ thống cơ bản trong thiết kế mạng lưới đường đô thị, trong khi đó hệ thống này của Hà Nội chưa được hoàn thiện", chuyên gia nhận định.
Theo vị giảng viên, vành đai 2 hiện quá tải, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra do hạ tầng một số tuyến chưa đồng bộ. Do đó, Hà Nội cần bổ sung dự án để hoàn chỉnh, "khép kín" toàn bộ tuyến vành đai này.
Hiện, thành phố thực hiện xong nhiều dự án chạy dọc tuyến như đường vành đai 2 trên cao ở khu vực Vĩnh Tuy - Trường Chinh và hoàn chỉnh hạ tầng cho bờ bắc sông Hồng với dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy, đường Cổ Linh...
Vì vậy, Hà Nội cần tính thêm phương án mở rộng đường cho khu vực từ Ngã Tư Sở về Cầu Giấy để đồng bộ. Chuyên gia khẳng định dự án có thể ngay lập tức giải quyết được bài toán ùn tắc ở Ngã Tư Sở, bởi khu vực này đang là nút giao khác mức nhưng không liên thông, dễ tạo xung đột giữa các hướng di chuyển.
Trở ngại trong thiết kế dự án
Chuyên gia cho biết thời điểm trước năm 2000, toàn bộ đường ven sông Tô Lịch là đất dự trữ để mở rộng đường ra sát bờ sông. Nhưng thực tế, sau khi kiểm tra thấy phần đất này không đủ độ tải ổn định, Hà Nội đã mở đường cách xa đường bờ sông (đường Láng hiện nay).
"Như vậy, chuyện mở rộng đường Láng đã được bàn từ lâu và tương lai nhất định phải làm, vì giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở hiện rất bất cập. Dù thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội có điều chỉnh phân luồng nhưng đó chỉ là giải pháp mềm và tức thời, không phải căn cơ", vị chuyên gia nói.
Theo ông, giải pháp căn cơ là thành phố làm thêm cầu, đường trên cao ở ngay nút giao. Dù vậy, đây là bài toán khó trong xây dựng bởi "vướng" ở cầu vượt Ngã Tư Sở. Đây là cầu cạn nhưng làm theo thiết kế dây văng, tạo ra tĩnh không lớn, nên để làm thêm một cây cầu cắt qua bên trên là rất khó.
Do vậy, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, đơn vị tư vấn cần xem xét xử lý thấu đáo về phương án thiết kế cầu và đường cho khu vực này, vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật, vừa hiệu quả trong tổ chức giao thông.
Nhìn ở góc độ khó khăn trong triển khai dự án thành phần, chuyên gia Phan Lê Bình nhận định hiện tại, dự án mới ở giai đoạn xin chủ trương đầu tư, chưa chắc về các hạng mục. Do đó, chưa thể khẳng định sẽ phải giải phóng mặt bằng ở khu vực đường Láng.
Dù vậy, ông nhấn mạnh đây là hạ tầng quan trọng cho thành phố để khép kín hướng tuyến vành đai, giải tỏa nút thắt ùn tắc, nên cần thiết phải thực hiện dù có những khó khăn trong quá trình thi công.
"Nếu Hà Nội không làm thì vấn đề thiếu hạ tầng, đặc biệt đường bộ trong nội đô thành phố sẽ vẫn mãi vướng mắc, không tháo gỡ được, trong khi thực tế là nhu cầu giao thông ngày càng tăng", ông Bình nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy nút giao Ngã Tư Sở được thiết kế với lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng lưu lượng thực tế đạt tới 8.000 phương tiện/giờ. Đây là nguyên nhân chính khiến khu vực thường xuyên ùn tắc.
Theo quy hoạch của Hà Nội, thành phố có 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285km, trong đó có vành đai 2, 3, 4, 5 là tuyến khép kín; vành đai 1, 2,5, 3,5 là tuyến hở.
Trong số này, vành đai 5 hiện chưa có chủ trương đầu tư, vành đai 4 bắt đầu được khởi công từ tháng 6/2023.
Với riêng vành đai 2, dự án dài 39km chạy dọc theo hướng tuyến phía nam sông Hồng qua Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân, khép kín với hướng phía bắc sông Hồng từ đoạn từ cầu Vĩnh Tuy sang cầu Nhật Tân, qua đường Lý Sơn - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp.
Đến nay, các đoạn của vành đai 2 đã được hình thành tuyến và thi công mở rộng, chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được mở rộng theo quy hoạch.
Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7261413553918338