Bích Ngọc ·
44 tuần trước
 11548

Chủ tịch mới của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là ai?

Được biết, kể từ ngày 26/6 Bà Trần Thị Cẩm Hạnh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Cụ thể, trong cuộc họp thường niên 2023 của công ty trước đó, Đại hội đồng cổ đông đã bầu ra 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 của TVSI đó là bà Bùi Thị Thanh Hiền, bà Trần Thị Cẩm Hạnh và bà Tạ Thị Mai Hương.

Đến ngày 26/6, bà Trần Thị Cẩm Hạnh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời bà Đặng Thị Minh Hạnh - Thành viên Ban kiểm soát TVSI cũng được bầu làm Trưởng ban kiểm soát công ty.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước bà Hạnh, vị trí Chủ tịch HĐQT TVSI do ông Nguyễn Việt Cường đảm nhận (kể từ tháng 10/2022). Thời điểm đó, thay cho vị lãnh đạo quá cố Nguyễn Tiến Thành, ông Cường được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Bị đình chỉ một phần hoạt động giao dịch

Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch (UPCOM) đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

VNX cho biết, nguyên nhân bị đình chỉ là vì TVSI đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quyết định ngày 18/5 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thời gian đình chỉ áp dụng (từ ngày 27/6) cho đến khi TVSI được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước đó đã ban hành quyết định đưa TVSI vào diện kiểm soát đặc biệt nguyên nhân là báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đến ngày 31/12/2022 của công ty không được kiểm toán, trong đó thời hạn kiểm soát đặc biệt là từ ngày 18/5 đến 17/9/2023.

Cũng có nghĩa là TVSI sẽ không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, không chia lợi nhuận, chia thưởng cho thành viên góp vốn, cùng với đó không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của mình.

Theo đó, TVSI cũng không được tham gia góp vốn thành lập công ty con và không được đầu tư bất động sản, đồng thời hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hay thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Tân Việt chỉ được quản lý tiền giao dịch chứng khoán theo phương thức khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo của Saigon Glory để thanh toán trái phiếu

5 lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng đã quá thời hạn thanh toán cho trái chủ thế nhưng Saigon Glory vẫn chưa có phương án giải quyết, vì vậy Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) - đại lý phát hành 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng cho Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) mới đây đã chính thức gửi văn bản yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này. 

10 lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm hoặc 5 năm được Saigon Glory phát hành vào năm 2020 với mục đích phát triển dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ The Spirit of Saigon. Các lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo bao gồm: Toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án thành phần The Spirit of Saigon bao gồm các tài sản thuộc Tháp A, được biết tổng giá trị là hơn 18.550 tỷ đồng.

Saigon Glory cam kết trước ngày 12/6/2023 sẽ mua lại 5 lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng và 5 lô còn lại trước ngày 12/6/2024.

Thế nhưng, do không thể thu xếp nguồn vốn mua lại, công ty đã tổ chức hội nghị trái chủ vào ngày 11/6 để xin gia hạn nhưng không thành công. Sau đó, với vai trò là đại lý thanh toán, TVSI vào ngày đã gửi thông báo tới Saigon Glory yêu cầu thanh toán toàn bộ trái phiếu đang lưu hành trong vòng 10 ngày làm việc ngay sau khi nhận được công văn. 

Tính tới ngày 28/6, Saigon Glory vẫn chưa có bất kỳ hành động thực hiện thanh toán nào đối với các lô các lô trái phiếu theo yêu cầu. Do vậy, TVSI đã chính thức gửi công văn yêu cầu Saigon Glory, tổ chức quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), và các bên liên quan để cùng tiến hành phối hợp xử lý TSBĐ để hoàn trả, thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của Saigon Glory. 

Theo quy định, sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán chi phí xử lý tài sản, nộp thuế sau đó trả lãi quá hạn, lãi đến hạn và gốc trái phiếu. Số tiền còn lại sẽ được hoàn trả cho bên bảo đảm. Còn nếu tiền xử lý tài sản đảm bảo không đủ để thanh toán thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho trái chủ. 

Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đảm bảo ẩn chứa rủi ro và cũng phụ thuộc vào các quy định của pháp luật tại thời điểm xử lý. Trái chủ sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi nếu tài sản đảm bảo bị hạn chế chuyển nhượng hoặc áp đặt các điều kiện chuyển nhượng. Đồng thời, trái chủ cũng có thể sẽ phải chịu các chi phí có liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo.  

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6598947006831666/?