Thành Vũ ·
28 tuần trước
 9001

Dự án Vành đai 2,5 chậm 13 năm

Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A đến nay đã chậm tiến độ 13 năm gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Loạt vấn đề đang tồn tại

Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A là dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010, do liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) thực hiện, đầu tư theo Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT), có thời hạn đến hết 30/6/2018. Nhưng đến nay, sau 13 năm, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ thi công vô cùng ỳ ạch.

Ghi nhận thực tế dự án này, đoạn ngõ 192 Lê Trọng Tấn đến cuối tuyến Vành đai 2,5 được triển khai dang dở, trở thành nơi tập kết rác thải. Còn tại khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai), một hàng rào bêtông cao gần 2m, dài khoảng 400m được dựng lên giữa đường vành đai 2,5 và bịt hết các lối quay đầu, sang đường của người dân.

Liên quan đến hàng rào bêtông này, mới đây, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - Nguyễn Anh Đức đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án khẩn trương tháo dỡ hệ thống hàng rào này. Tuy nhiên đến nay, sau hơn nửa tháng văn bản được gửi đi, hàng rào vẫn tồn tại khiến người dân bức xúc.

Trong khi đó, trên thực tế, với đất dự án đối ứng để xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (đối ứng thi công đường Vành đai 2,5), dù chủ đầu tư chưa được UBND TP Hà Nội giao đất nhưng đã được Công ty Hoàng Hà rao bán rầm rộ nhiều năm nay. Hàng chục nhà đầu tư đã phản ánh, thậm chí có đơn tố cáo chủ đầu tư lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A bị chậm tiến độ nhiều năm.

Vẫn đề nghị gia hạn thời gian triển khai

Liên quan đến dự án này, UBND quận Hoàng Mai vừa có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 2,5.

Theo đó, Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 nói trên được Liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội - Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), có thời hạn đến hết 30/6/2018.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến thời điểm này Dự án đã thi công cống thoát nước thải, thoát nước mưa, cống hợp 2x(3x2) m (phường Khương Đình); thi công cống thoát nước thải, thoát nước mưa, một số đoạn cống, nền đường đường thoát nước mưa… và trụ cầu, dầm cầu L3.

Theo UBND quận Hoàng Mai, Dự án triển khai đã nhiều năm. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây chậm tiến độ, mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông...

Mặt khác, Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng đang khẩn trương triển khai thi công theo tiến độ. Dự án đường Vành đai 2,5 chậm tiến độ sẽ không đấu nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến thời gian đưa Dự án vào sử dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của quận Hoàng Mai và khu vực.

Từ đây, UBND quận Hoàng Mai đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, chỉ đạo nhà đầu tư tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Dự án đường Vành đai 2,5 được TP. Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), chỉ định chủ đầu tư.

Dù Dự án hơn 10 năm chưa thực hiện xong nhưng dự án đối ứng là Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công (KĐT Đại Kim - Định Công) đã bán nhiều năm nay.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, dự án đường Vành đai 2,5 ở Hà Nội đã nhiều năm không giải phóng được mặt bằng. Đây được xem là nút thắt lớn nhất cản tiến độ dự án khiến 9 đoạn tuyến đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Tuyến vành đai 2,5 dài 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40-50 m. Tuyến được chia thành 13 đoạn, trong đó 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59 km.

5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97 km gồm: Khu đô thị Ciputra - Nguyễn Hoàng Tôn - Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư khu đô thị Ciputra và Tây hồ Tây đầu tư); Đường 32 - Khu đô thị mới dịch Vọng (quận cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng - Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.

4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85 km gồm: Đoạn 1, Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ, đoạn 2 Trung Kính - Trần Duy Hưng, đoạn 3 Nguỵ Như Kon Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, đoạn 4 Hồ Vĩnh Hưng - Lĩnh Nam.

Với đoạn từ Đầm Hồng - QL1A, ông Nguyễn Anh Đức - Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội - cho hay, theo kế hoạch, dự án thi công từ ngày 9.3.2014 và phải hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa thể hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Hiện dự án đã triển khai trên tất cả vị trí đủ điều kiện thi công với chiều dài khoảng 1.381,7 m tương đương hơn 87%, còn lại khoảng 200m chưa thể thực hiện do vướng 14 hộ chưa giải phóng mặt bằng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7021467907912905