Tạ Nhị ·
1 năm trước
 7995

Có bao nhiêu dự án năng lượng chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm với EVN?

Cập nhật đến ngày 7/6/2023, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án, có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Tính đến thời điểm trên, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Tình hình thực hiện thủ tục các dự án NLTT chuyển tiếp.

Tình hình thực hiện COD của 56 dự án NLTT chuyển tiếp đã đề xuất giá tạm.

Liên quan đến thủ tục đưa các dự án điện năng lượng tái tạo vào vận hành thương mại, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho hay, mỗi dự án điện được đưa vào vận hành đều phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật liên quan như quy định về sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy...

Những trách nhiệm thuộc thẩm quyền của đơn vị nào, tổ chức nào thì phải chủ động thực hiện đúng. Đối với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng như Bộ Công Thương, chúng tôi đã thực hiện đúng trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu có thông tin cán bộ gây khó khăn cho các dự án hoặc vướng mắc trong quá trình hoàn thành thủ tục, tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin và trả lời, xử lý, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng thẳng thắn cho hay.

Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho biết đoàn kiểm tra, thẩm định của Bộ Công Thương đang "chạy hết công suất" không kể ngày nghỉ, và những dự án đã trình Bộ Công Thương hồ sơ đề nghị kiểm tra, nghiệm thu đầy đủ theo đúng quy định sẽ được tiến hành kiểm tra hết trong tuần này, "còn những dự án chưa nộp hồ sơ, hoặc hồ sơ chưa đầy đủ thì không thể làm sai quy định mà cứ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu được".

Các dự án điện công suất trên 50MW sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, còn các dự án dưới 50MW sẽ thuộc về các địa phương.

Để đưa các dự án chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, thời gian qua, Bộ Công Thương, EVN và các bên có liên quan, các chủ đầu tư đã phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá điện tạm thời theo quy định pháp luật để có cơ sở huy động các dự án điện chuyển tiếp đưa vào thử nghiệm và vận hành thương mại.

Tuy nhiên, để đi đến vận hành thương mại, mỗi dự án phải đáp ứng đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật như về đất đai, môi trường, phòng chống cháy nổ,…

Việc giải quyết những vướng mắc cho các dự án điện "sạch" càng trở lên cấp bách khi vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch này thể hiện quyết tâm loại bỏ dần điện than, điện khí trong tổng cơ cấu nguồn năng lượng và xác định tập trung phát triển năng lượng tái tạo để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26).

Sau khi kết thúc thời gian hưởng cơ chế giá ưu đãi FIT của các dự án điện gió và các dự án điện mặt trời, có 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.676 MW không kịp đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ và hiện đang chờ cơ chế giá mới.

Để xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện. Căn cứ theo đó, EVN đã lập và trình Bộ Công Thương kết quả tính toán khung giá phát điện.

Từ kết quả này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Tạ Nhị