Trong đó, 43 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 40/43 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp đề xuất giá tạm.
Ngoài ra, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.
Hiện có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) một phần nhà máy/toàn nhà máy, với tổng công suất 216,22MW. Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy/toàn nhà máy đã thực hiện COD từ trước năm 2021 (chưa có giá điện).
Dưới đây, ngoài bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá của 85 dự án, EVN cung cấp bổ sung Bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 40 dự án đã thống nhất giá tạm.
Khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt qua khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành (được xác định căn cứ trên cơ sở các số liệu suất đầu tư dự án có xét đến xu hướng giảm suất đầu tư của các loại hình mặt trời, điện gió trên thế giới).
Cụ thể, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018-2021 giảm từ 1.267 USD/kW xuống còn 857 USD/kW (tương đương 11%/năm), suất đầu tư dự án điện gió trên bờ nối lưới giảm từ 1.636 USD/kW xuống còn 1.325 USD/kW (tương đương 6,3%/năm) dẫn đến kết quả tính toán khung giá có sự thay đổi so với giá FIT đã được ban hành.
Ví dụ, đối với các dự án mặt trời mặt đất, giá FIT 2 (ban hành năm 2020 là 7,09 cent/kWh) đã giảm 8%/năm so với giá FIT1 (ban hành năm 2017); khung giá phát điện (ban hành tháng 01/2023) giảm khoảng 7,3%/năm so với giá FIT2 (ban hành năm 2020).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét thỏa thuận giá tạm thời cho các nhà máy này, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới (đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định).
Có thể thấy, trong thời gian qua các dự án năng lượng tái tạo đã và đang nhận được nhiều cơ chế ưu đãi. Chính sách ưu đãi về giá đã được công bố rõ ràng về lộ trình, mức giá, thời gian ưu đãi, trong quãng thời gian đó, nhiều dự án quy mô rất lớn ở các địa phương dù khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng cơ chế giá FIT.
Theo xu thế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới giá, cơ chế FIT đều có xu hướng giảm dần, với cơ chế giá đó, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả, do đó các nhà đầu tư cần nỗ lực trong việc tối ưu hóa các công tác quản lý, quản trị, điều hành… để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những dự án có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế hơn trong giai đoạn này.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như: Thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 5/6; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định trước ngày 10/ đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm, xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.