Tạ Nhị ·
1 năm trước
 9047

Đã có 17 dự án NLTT chuyển tiếp phát điện thương mại lên lưới

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 25/7/2023, có 17 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 832,92MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 24/7/2023 đạt khoảng 165,5 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Đến nay, đã có 72/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 60 dự án (tổng công suất 3.331,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/60 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

21 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện vẫn còn 13 dự án với tổng công suất 802,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Tình hình thực hiện thủ tục của 85 dự án NLTT chuyển tiếp.

Về tình hình cung ứng điện, sáu tháng đầu năm 20223, nhu cầu điện phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bước sang tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện dự kiến vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là với hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Trong những năm qua, miền Bắc không có thêm các nguồn điện mới dù việc thiếu điện đã được dự báo. Đây cũng là vấn đề được Bộ Công Thương kết luận khi thanh tra việc quản lý, điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan.

Theo kết luận thanh tra, EVN triển khai công tác đầu tư theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh không bảo đảm tiến độ. Việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm của EVN không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu về đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện trong giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ cấu nguồn điện miền Bắc hiện chủ yếu phụ thuộc vào 2 nguồn chính là thủy điện và nhiệt điện. Tuy nhiên, năm 2023, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, thủy điện (chiếm khoảng 43%) sụt giảm 5.000 MW sản lượng do hạn hán. Trong khi đó, nhiệt điện (chiếm hơn 48%) cũng gặp sự cố vì vận hành liên tục từ cuối năm 2022, việc khắc phục cần có thời gian.

Cục Điều tiết Điện lực cho biết dù phụ tải tăng cao kỷ lục như vậy nhưng do công tác chuẩn bị kỹ nên sự cố và hiện tượng suy giảm công suất ở các nhà máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời. Tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện nên việc cung cấp điện bảo đảm. "Việc cung cấp điện trong các tuần tới sẽ không phải tiết giảm, cắt điện nếu không xảy ra các tình huống cực đoan" - Cục Điều tiết Điện lực cho hay.

Dù việc cung ứng điện thời gian tới bảo đảm nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về lâu dài, cung ứng điện không thể "ăn đong" như thời gian qua. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện mới là yêu cầu cấp bách.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6666520030074363/