Giải pháp chống nóng từ tấm pin năng lượng mặt trời
Mấy tháng gần đây tại miền Bắc, mọi người không ngừng than thở về trời nóng hơn so với những năm trước và tình trạng mất điện cũng tăng lên chưa từng thấy. Trên các chuyến xe buýt, hành khách cũng chung tâm sự về khó khăn do ánh nắng gay gắt.
Trên thực tế, tình trạng nóng bức và mất điện liên tục đã gây nên không ít phiền toái và khó khăn cho người dân. Tình trạng này đã làm cho mọi người trở nên bất an và tìm kiếm các biện pháp để giải tỏa cơn nóng.
Trong đợt cúp điện và nắng nóng mùa hè năm nay, nhiều gia đình ở miền Bắc đã chủ động lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà với các kích thước khác nhau. Điều này nhằm mục đích tận dụng nguồn điện mặt trời để giảm bớt tác động của nhiệt độ cao.
Hệ thống các tấm pin mặt trời này sẽ hấp thụ và chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng. Dòng điện mặt trời qua biến tần inverter sẽ được chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều điện áp cao tương thích với tải tiêu thụ điện và hòa được lưới điện.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm. (Ảnh: ITN)
Trên địa bàn Hà Nội, EVN Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống tại trụ sở và các trạm biến áp, góp phần giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội nhờ việc tận dụng diện tích mái nhà tại các công ty điện lực. Đơn cử như trụ sở Tổng công ty, Trung tâm sửa chữa điện nóng, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, các trạm biến áp 110 – 220kV…
Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của tòa nhà, tòa nhà sẽ nhận điện hoàn toàn từ năng lượng mặt trời này. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, tòa nhà sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới. Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được phát lên lưới điện quốc gia. Trong trường hợp mất điện lưới thì hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện.
Tại hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Điện - Trưởng Phòng Kinh doanh khẳng định, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty có 140 tấm pin với công suất đặt là 31,8 kWp được lắp đặt từ tháng 7/2018; Thống kê của hệ thống cho biết đến nay đã "sản xuất" ra hơn 20.000 kWh, tương đương giảm phát khí thải CO2 khoảng 13 tấn. Hệ thống có các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi số liệu được thống kê hàng ngày. Theo số liệu từ Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, có những ngày nắng lớn, hệ thống đã phát ra hơn 200 kWh/ngày.
Tháo gỡ rào cản – Tạo động lực
Về tiềm năng phát triển điện mặt trời ở nước ta, báo cáo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời khá lớn, vào khoảng 914.000MW. Trong khi công suất khai thác hiện chỉ được gần 2% so với tổng tiềm năng.
Riêng tiềm năng điện mặt trời mái nhà ước tính vào khoảng 48.000MW, trong đó, khu vực miền Nam khoảng 27.000MW (chiếm hơn 56%). Thời gian qua, đây cũng là những địa phương có số lượng dự án, tổng công suất lắp đặt cao nhất trên toàn quốc. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà đạt hơn 4.000MW.
Cụ thể, miền Bắc “yếu thế” hơn hẳn miền Trung hay miền Nam vì bức xạ mặt trời trung bình chỉ đạt 1.500-1.700 giờ nắng/năm (miền Trung và miền Nam có 2.000-2.600 giờ nắng/năm). Do đó, các hộ dân phải đối mặt với bài toán kinh tế khi bỏ ra khoản chi phí đầu tư không nhỏ nhưng do số giờ nắng ít, điện cung cấp không được như kỳ vọng, thậm chí bị gián đoạn bởi yếu tố thời tiết.
Một trở ngại khác là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vận hành theo nguyên tắc hệ thống có bộ điều khiển khống chế điện, dù dư thừa cũng không được đẩy ngược lên lưới phân phối điện để bán.
Để khắc phục, cần tính đến việc các hộ dân khi dư thừa điện có thể ký hợp đồng bán điện trong phạm vi nhất định theo thỏa thuận được kiểm soát, áp mức giá bán lẻ và có khai báo thuế. Đối với các tòa nhà công sở có diện tích mái nhà lớn, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách bố trí nguồn vốn đầu tư công để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Để tiếp cận dòng vốn ưu đãi trong đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, trên thực tế cần những quy định cụ thể hơn. Đặc biệt, đối với khu vực miền Bắc, nếu không có hỗ trợ cụ thể về tài chính, lãi suất, nguồn vốn, thậm chí là trợ giá thì rất khó thúc đẩy đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà.
Mốc thời gian năm 2030 cũng không còn xa. Lộ trình cần 2.600MW điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ không dễ dàng đạt được chừng nào những rào cản trong phát triển nguồn điện năng này tại khu vực miền Bắc chưa được tháo gỡ. Và mỗi mùa nắng nóng cao điểm, khi thủy điện gặp khô hạn, nhiệt điện than vướng sự cố thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện vẫn có thể xảy ra.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, đồng thời bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6649792758413757/