Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8819

Đảm bảo an ninh năng lượng: Đâu là yếu tố quan trọng hàng đầu?

Chiều ngày 20/9, tại "Diễn đàn: Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam", các chuyên gia cùng khách mời đã bàn các vấn đề quan trọng về đảm bảo an ninh năng lượng.

Một trong những nhân tố trọng yếu đối với an ninh – kinh tế mỗi quốc gia là năng lượng, an ninh năng lượng là đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

Bên cạnh đó cần thực hiện chính sách giá điện đảm bảo tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng hiện nay vẫn chưa thể phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường khiến quan hệ cung – cầu bị méo mó. Chính vì vậy giá bán buôn và bán lẻ điện cần được bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng và đủ, tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng.

Nguồn cung vô cùng quan trọng, chi phí là yếu tố hàng đầu?

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, giá cả là tín hiệu quan trọng nhất cho sự phát triển của mọi vực, bên cạnh đó cũng cần lưu ý về cung và cầu. Mới đây, Thủ tướng đã phê chuẩn quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, gần đây nhất là quy hoạch về lưu trữ, dự trữ năng lượng đặc biệt là xăng dầu. Trong đó, được quan tâm nhất vẫn là quy hoạch điện VIII.

TS. Võ Trí Thành cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến 2040, để xanh thì Việt Nam cần 368 tỷ đô la bổ sung và nếu theo quy hoạch điện VIII, còn tính từ nay đến 2030 mỗi năm Việt Nam cần bổ sung khoảng 14 - 16 tỷ đô la. Như vậy, tiền ngân sách, tiền các tổ chức quốc tế có thể cho vay mượn không đủ. Có thể thấy, nguồn cung vô cùng quan trọng, chính vì thế phải có một môi trường đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và làm sao để người ta sẵn sàng bỏ tiền (trong đó có tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài).

Một điều quan trọng nữa là thể chế thực thi, nhiều chuyên gia cho rằng với quy trình làm dự án, thực thi quy hoạch truyền thống của nước ta thì quy hoạch điện VIII nếu không nói là không thể thì vô cùng khó để thực hiện. Nếu 3 quy hoạch năng lượng chờ đầy đủ kế hoạch hành động thì có lẽ phải đến 2024, vậy chỉ còn 6 năm nữa để thực thi.

Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam vào ngày 20/9.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong an ninh năng lượng có 2 vấn đề đó là điện và xăng dầu. Đối với an ninh năng lượng thì yêu cầu đầu tiên là phải ổn định và chi phí thấp. Chi phí thấp là yếu tố hàng đầu để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua. Về an ninh năng lượng đối với điện, đầu tư vào ngành điện trong thời gian qua suy giảm. 

“Đối với thị trường năng lượng điện chúng ta độc quyền, đã là độc quyền thì không để cho doanh nghiệp và thị trường tự quyết định mà phải có quản lý giám sát của nhà nước.”  PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, điểm nghẽn lớn nhất đối với đầu tư là vấn đề về giá. Với công xuất quy hoạch điện VIII tăng gấp đôi quy hoạch VII, để thực thi thì phải có biện pháp kiên quyết như đầu tư công hiện nay. 

Dự án năng lượng tái tạo hiện nay chưa đủ thu hút các nhà đầu tư?

Theo Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, giai đoạn trước ngày 30/10/2021, nhờ chính sách tốt và giá mua điện tốt nhiều doanh nghiệp đã “mạnh tay” đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp lại không dám làm vì giá điện từ các dự án năng lượng tái tạo hiện nay chưa đủ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Cũng theo ông Hòa, nước ta muốn tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo thì cần làm rõ ai sẽ chịu rủi ro trong bước vào một lĩnh vực mới, cơ chế và chính sách mới, trong khi giải pháp không nằm trong tay người Việt Nam.

Có nhiều dự án doanh nghiệp muốn làm tuy nhiên lại vướng cơ chế, do đó cần cởi trói cho cơ chế nghiên cứu R&D FS và mời các nhà đầu tư quốc tế vào cùng phát triển mảng năng lượng bền vững với Việt Nam.

“Nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi nhuận, phải vẽ ra một con đường lợi nhuận hợp lý thì người ta mới bỏ tiền”, ông Hòa chia sẻ.

TS.Võ Trí Thành cho biết thêm, cần có cái nhìn tổng thể để thực hiện mục tiêu Cop26, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam rất tổng thể (tăng trưởng xanh, đầu tư xanh, thể chế xanh sản xuất xanh). Trong sản xuất xanh hỗ trợ của Đan Mạch cùng rất nhiều tổ chức EU giúp chúng ta nghiên cứu, tập chung vào 4 lĩnh vực năng lượng là then chốt cộng với xây dựng, giao thông nông nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp 

Điều quan trọng chúng ta nghĩ đó là xanh và sạch, xanh và sạch không chỉ có gió và mặt trời mà còn rất nhiều (thủy triều địa nhiệt, địa từ…). Bên cạnh đó, xanh và sạch còn có cái hay là tiếp cận công nghệ, công nghệ là đầu vào (là mặt trời là gió). Chẳng hạn như Nhật, công nghệ vẫn là than nhưng họ xử lý đầu ra như là lưu trữ cacbon, tái chế các bon, sử dụng cacbon,… 

Theo ông, sơ đồ điện VIII không bác bỏ điện hạt nhân và Quốc hội chỉ tạm dừng chứ không loại trừ. Đó là tính linh hoạt trong các cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.