Gia Bảo ·
1 năm trước
 6144

Đâu là nguyên nhân khiến VN-Index lại tiếp tục "lao dốc"?

Ngày 26/9, áp lực bán đã nhanh chóng quay trở lại ở cuối phiên và khiến cho điểm số của thị trường sụt giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1137.96, giảm mạnh 15.24 (-1.32%).

VN-Index lao dốc không phanh

Đầu phiên thị trường vẫn mở cửa trong sắc đỏ do sự ảnh hưởng từ phiên trước đó. Sau đó đã xuất hiện những tín hiệu hồi phục nhất định. Thậm chí có thời điểm VN-Index còn đạt được mức tăng khoảng 10 điểm. Tuy nhiên điều này cũng chỉ diễn ra trong thoáng chốc và không duy trì được quá lâu. Áp lực bán đã nhanh chóng quay trở lại ở cuối phiên và khiến cho điểm số của thị trường tụt giảm mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1137.96, giảm mạnh 15.24 (-1.32%). Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức ổn định khi có hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 21 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ vẫn tỏ ra vượt trội hơn hẳn trong ngày hôm nay khi có đến 317 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm đã có sự cải thiện với 180, còn lại là 62 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu. 

Nội bộ các ngành phân hoá mạnh. Ở nhóm ngân hàng, VCB giảm 2,58%, BID giảm 1,66%, TCB giảm 1,22%, SHB giảm 1,82%, TPB giảm 1,67%, LPB giảm 2,94%, EIB giảm 4,11% nhưng CTG lại tăng 1,68%, VPB tăng 0,25%, MBB tăng 0,83%, SSB tăng 0,77%, VIB tăng 1,05%. Có thể thấy ở nhóm này, sắc đỏ vẫn lấn át sắc xanh.

Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lại tiếp tục "lao dốc".

Với cổ phiếu ngành chứng khoán, sau phiên "lau sàn" trước đó, nhiều mã đã có sự phục hồi nhất định như SSI tăng 1,81%, HCM tăng 1,18%, FTS tăng 0,53%, BSI tăng 0,41%, ORS tăng 0,28%, TVS tăng 0,43%. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, VIX giảm 5,14%, VDS giảm 3,47%, AGR giảm 3,28%, APG giảm kịch sàn.

Nhóm sản xuất phân hoá cực mạnh. Trong khi HPG tăng 0,77%, MSN tăng 3,84%, DPM tăng 0,14%, DHG tăng 0,17%, BMP tăng 0,24%, HT1 tăng 1,5% thì GVR, GEX, ANV, IDI, GIL đồng loạt giảm kịch biên độ.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục diễn biến tiêu cực. Tiêu biểu là VHM giảm 4,26%, VIC giảm 3,23%, BCM giảm 3,09%, VRE giảm 3,01%, NVL giảm 6,48%, PDR giảm 3,73%, NLG giảm 2,37%, DXG giảm 6,48%, SZC giảm 5,42%, CII giảm 5,34%; TCH, DXS, LCG, FCN, SGR đồng loạt giảm kịch sàn.

Cổ phiếu năng lượng chìm trong sắc đỏ; theo đó, GAS giảm 0,78%, PGV giảm 1,7%, POW giảm 1,27%, PLX giảm 1,07%. Bớt tiêu cực hơn là trường hợp của các cổ phiếu hàng không khi HVN giảm 1,65% nhưng VJC đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm bán lẻ, sắc xanh hiện lên ở MWG với mức tăng 0,98% nhưng PNJ và FRT vẫn giảm lần lượt 1,63% và 3,01%.

Toàn sàn HoSE có 180 mã tăng giá, 62 mã đứng giá tham chiếu và 317 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức trung bình, đạt 19.894 tỷ đồng.

Nhiều yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư

Theo Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital), yếu tố đang ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam là do lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Dragon Capital cho rằng thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối cùng các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến việc phát hành tín phiếu đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định.

Ngoài ra, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính cũng tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây.

Thứ hai, theo Dragon Capital, các mô hình lịch sử cho thấy thị trường thường biến động mạnh vào các giai đoạn gần cuối của chu kỳ tăng lãi suất của FED. Dragon Capital dự báo thị trường sẽ có sự biến động ngắn hạn cho đến tháng 11/2023.

Thứ ba, Dragon Capital ghi nhận tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh.

“Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%”, quỹ đầu tư này viết.

Mặc dù vậy, Dragon Capital cho rằng biến động về mặt kinh tế toàn cầu và diễn biến thị trường gần đây chưa tạo ra sự đảo chiều trong xu hướng hiện tại.

“Nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp”, Dragon Capital khuyến nghị.