Tạ Nhị ·
51 tuần trước
 6787

Đề án đào tạo nghề 306 tỷ ở dự án sân bay Long Thành giờ ra sao?

Hơn 5.000 hộ dân với tổng số hơn 15.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành. Trong số này có khoảng 9.700 người độ trong tuổi lao động, nhưng đến nay đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án với ngân sách 306 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai.

Người dân tan ca tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. (Ảnh: Hà Anh Chiến)

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Hơn 2 năm triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), người dân trong vùng dự án đã về nơi ở mới tại khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn. Tuy nhiên, đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án với ngân sách 306 tỷ đồng vẫn “treo”.

Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là dự án sân bay Long Thành).

Sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp triển khai. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7.2022, Sở LĐTBXH tỉnh đã nhận 908 hồ sơ, trong đó có 346 đơn đăng ký đề nghị học nghề (chủ yếu là đăng ký học nghề lái xe ô tô hạng B2) và 562 đơn không có nhu cầu học nghề giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, việc đăng ký học lái xe người dân cũng không mặn mà do chỉ được hỗ trợ 3 triệu đồng/khoá, trong khi chi phí thực tế mỗi khoá học thời điểm đó từ 11-15 triệu đồng/khoá học. Theo đánh giá, nhu cầu thực sự đăng ký đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm của người dân rất ít.

Sau đó, kiểm toán vào cuộc yêu cầu rà soát xem lại việc thực hiện đề án việc làm cho người dân vùng dự án sân bay Long Thành có trùng lắp với kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề hai lần cho người làm nông nghiệp hay không. Theo Sở LĐTBXH, điều này cũng khiến quá trình thực hiện phải rà soát kỹ người thụ hưởng, mất nhiều thời gian dẫn đến không thể giải ngân được.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức – cho rằng, lãnh đạo “tiền nhiệm” của Sở LĐTBXH không quan tâm tới công tác đào nghề ngay từ ban đầu, không phối hợp với huyện Long Thành xuống tận xã khảo sát, phát phiếu điều tra khi nhu cầu đào tạo nghề rất lớn khiến người dân phàn nàn, trong khi dự án hơn 300 tỉ đồng vẫn đang bị “treo” suốt nhiều năm qua.

Cũng theo ông Đức, đối tượng lao động trẻ tuổi có thể giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp, nhà máy ở các khu công nghiệp gần địa bàn, còn lao động lớn tuổi từ 50-60 tuổi, ở nơi ở cũ còn có đất để trồng trọt chăn nuôi, nhưng khi ra nơi ở mới không có đất, do đó cần phối hợp với các trường nghề trên địa bàn để giới thiệu các việc làm phù hợp cho người dân như nấu ăn, trồng cây kiểng, làm nông nghiệp đô thị…

Đề án liệu có “phá sản”

Có hơn 5.000 hộ với tổng số hơn 15.500 nhân khẩu trong vùng dự án sân bay Long Thành bị ảnh hưởng. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Đến nay, UBND huyện Long Thành đã bố trí tái định cư cho 3.985 hộ, số còn lại đang được xét duyệt cấp đất tái định cư; có hơn 1.500 căn nhà đã và đang xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cách nơi ở cũ chừng 7 km.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết qua khảo sát hiện người dân không có nhu cầu đào tạo nghề cũng như xin việc nên đề án khó thực hiện được. Sở đang xin ý kiến để trả lại kinh phí đề án, phối hợp doanh nghiệp ở tỉnh tổ chức tuyển dụng, tạo việc làm cho người dân khu tái định cư.

Tại cuộc đối thoại với các hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án mở hai đường kết nối sân bay Long Thành diễn ra đầu tháng 4, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu sở ngành và địa phương phải hỗ trợ tốt nhất người dân bị giải tỏa, tạo điều kiện sống và việc làm ở nơi mới tốt hơn chỗ cũ.

Đối với nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành, chính quyền Đồng Nai đã hợp tác với một số trường đào tạo nhân lực chất lượng cao; làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để nắm rõ cung cầu lao động khi sân bay khởi công, đi vào khai thác.

Lẽ dĩ nhiên, rất nhiều người dân địa phương, nhất là lực lượng lao động trẻ, mong muốn có được một vị trí việc làm xứng đáng tại sân bay. Nhưng hàng không lại là một ngành kinh tế đặc thù với những tiêu chuẩn khắt khe đối với lực lượng lao động. Vì thế, nếu muốn có được một vị trí việc làm tại sân bay, người dân không có cách nào khác là phải tham gia học nghề phù hợp. Hơn nữa, quá trình học nghề phải rất nghiêm túc, nỗ lực. Ngoài công việc tại sân bay, khu vực kinh tế bên ngoài “hành lang” sân bay cũng sẽ cần nhiều lao động. Vị trí, tính chất công việc chắc chắn sẽ khác hẳn với công việc nhà nông mà người dân vùng dự án vốn đã quen thuộc. Do đó, muốn đáp ứng được với công việc mới, người dân buộc phải tham gia học nghề.

Sở LĐ-TBXH kết hợp với chính quyền địa phương 6 xã thuộc vùng dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ gia đình bị thu hồi đất thuộc dự án. Theo đó, có hơn 6.500/9.700 người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 67,42%) đã tham gia trả lời khảo sát. Trong đó, có 1.495 người có nhu cầu đào tạo nghề, 5.045 người còn lại không có nhu cầu đào tạo nghề. Như vậy với tỷ lệ này thì Đề án có khả năng bị “phá sản”.

Khởi công đầu năm 2021, sân bay Long Thành tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến về đích năm 2025. Sau đó, sân bay sẽ được thực hiện giai đoạn 2, 3 để nâng công suất khai thác lần lượt lên 50 triệu và 100 triệu khách mỗi năm.

Tạ Nhị